ngo-doc-ruou-1638467263754316519158-16685724639511794564445-1668581310.jpeg
Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thành Dương

Hiện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang đã thành lập tổ công tác phối hợp với Trung tâm Y tế huyện An Biên, Trạm y tế xã Nam Yên, cùng chính quyền địa phương và gia đình để điều tra nguyên nhân vụ việc. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu rượu để kiểm nghiệm và khẩn trương điều tra, xác minh nguồn gốc của số rượu mà các nạn nhân đã sử dụng.

Nhằm chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc rượu gây ra, đảm bảo tính mạng người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm, (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá  30 ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Nếu có những triệu chứng khác thường sau khi uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Dấu hiệu ngộ độc rượu phải nhập viện

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần lưu ý các biểu hiện khi bị ngộ độc rượu nặng, nguy hiểm, như bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật; tê, yếu chân tay hoặc một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; thở khò khè, ứ đọng đờm, rãi ở miệng, họng, ho yếu, thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh; da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; đại tiện, tiểu tiện ra quần hay tiểu tiện ít hơn bình thường; nhìn mờ, nhìn một vật thành hai; nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; mệt nhiều.

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng này thì đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp nhẹ, cần theo dõi và có chế độ ăn, nghỉ phù hợp, tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết, nguy hiểm. Tuy nhiên, khi thấy bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh, không ăn uống được gì hoặc nôn nhiều thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Trong trường hợp gia đình có người thân hoặc bạn bè uống rượu, cách tốt nhất là khuyên họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nước canh, nước cháo loãng... để bù năng lượng cho cơ thể. Với các loại thuốc giải rượu hầu như không có tác dụng trong việc chống say.

Nếu muốn sử dụng rượu nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông khi sau uống. Đặc biệt, những người trẻ tuổi, người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp... không nên sử dụng rượu bia vì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe./.