Thị trường tuyển dụng online ngày càng phát triển, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho kẻ gian thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Những bài rao tuyển dụng hấp dẫn như không đòi hỏi kinh nghiệm, thời gian làm việc linh hoạt, thu nhập cao đã thu hút nhiều người dùng mạng xã hội (MXH) quan tâm và “sập bẫy’. Đây là hành vi lừa đảo với nhiều chiêu trò tinh vi và đa dạng hình thức. Chúng tăng thêm độ tin cậy bằng cách sử dụng tên tuổi của các nhãn hiệu nổi tiếng và các sàn thương mại điện tử lớn.

u-1681021349.jpg
Nhóm FB được nạn nhân N cung cấp để kiếm việc làm. Ảnh: MXH

Lừa đảo tinh vi, đa dạng hình thức

Kẻ gian thường hướng tới đối tượng là các bạn sinh viên, bà mẹ bỉm sữa muốn kiếm thêm thu nhập tại nhà, thời gian không bó buộc. Chúng đưa nạn nhân vào bẫy bằng các hình thức phổ biến như: Đánh văn bản, làm cộng tác viên chốt đơn hàng, like, share video… để kiếm tiền. Đánh vào tâm lý muốn làm việc nhàn hạ, lương cao của nạn nhân.

Chia sẻ với PV, chị NNHN (sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết cách đây 2 tuần, chị có ứng tuyển vào công việc đánh văn bản của một nhà tuyển dụng online trên Facebook với mức lương hấp dẫn, từ 20.000 đến 70.000/1 bài. Tuy nhiên kẻ gian đã chuyển chị qua làm cộng tác viên (CTV) chốt đơn trên 1 sàn thương mại ảo có tiếng với lý do “thiếu nhân sự”.

Chị N kể: “Kẻ đó đưa cho tôi một đường link, yêu cầu truy cập và nhập thông tin tại đó để bắt đầu công việc. Ban đầu trong tài khoản sẽ có sẵn 30 ngàn đồng, tuy nhiên sau mỗi lần chốt đơn sẽ bị trừ số tiền đó, càng muốn chốt nhiều đơn thì phải rót thêm tiền vào tài khoản”.

Nạn nhân N cho biết khi truy cập đường link qua trình duyệt Google thì được thông báo trang web có nhiều rủi ro. Sau đó, xuất hiện hình ảnh sàn thương mại điện tử giả thương hiệu nổi tiếng kia và bắt đăng ký tài khoản kèm mã giới thiệu.

“Vì trước đó đã đọc các bài cảnh báo nên tôi đã chặn ngay” – chị N bức xúc.

yy-1681021392.PNG
Tin nhắn gửi link lừa đảo cho chị N. Ảnh: NVCC

Được biết, các hình thức với tiêu đề “Tìm người đánh máy văn bản” xuất hiện nhiều trên các nhóm học thuật ở Facebook, hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên. Bài viết đăng tràn lan, không có admin phê duyệt.

hg-1681021430.PNG
Người tuyển dụng giả dạng là chuyên viên Lazada. Ảnh: NVCC

Không may mắn như chị N, chị NLH (35 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng tìm việc trên mạng và bị kẻ gian lừa 60 triệu đồng.

“Người đó cho tôi một đường link, trong đó hiện số tiền tôi cần phải chuyển. Sau khi chuyển số tiền tôi hiện có vào tài khoản của kẻ lừa đảo, tôi sẽ được nhận lại cả gốc lẫn lãi, hoa hồng khoảng 10%. Những đơn đầu chỉ có giá vài trăm ngàn, tuy nhiên số tiền ngày càng tăng lên” – chị H kể.

Nạn nhân cho biết ban đầu khi làm theo các yêu cầu của kẻ lừa đảo, chị được nhận tiền gốc và hoa hồng nhanh chóng. Một thời gian sau, chúng sẽ lấy cớ “cộng tác viên làm sai bước”, không hoàn thành nhiệm vụ. Kẻ xấu sẽ giữ số tiền này và yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền để xử lý lỗi.

Vòng luẩn quẩn này lặp đi lặp lại cho đến lúc nạn nhân nhận ra mình đã bị lừa hoặc không còn đủ tiền để chốt đơn. “Nếu trước đó tôi chịu tìm hiểu các bài cảnh báo thì có lẽ đã không bị mất tiền” - chị H tâm sự. Sau khi bị mất 60 triệu đồng, chị đã gửi đơn tố cáo lên đến cơ quan công an.

65-1681021461.PNG
Nạn nhân gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an. Ảnh: NVCC

Cần kiểm tra kỹ thông tin nhà tuyển dụng khi ứng tuyển

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để chủ động phòng tránh các hình thức lừa đảo, người dân cần cảnh giác về chế độ đãi ngộ của các nhà tuyển dụng, ví dụ như đưa ra các vị trí công việc nhẹ, nội dung công việc không rõ ràng, mức lương cao hơn bình thường.

Nếu thông tin về nhà tuyển dụng đưa ra không rõ ràng, không có địa chỉ cụ thể. Người dân phải kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra tìm kiếm thêm các thông tin đối chiếu trên mạng để đánh giá độ tin cậy.

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết Bộ luật Lao động nghiêm cấm nhà tuyển dụng yêu cầu người tìm việc đặt tiền. Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu đặt tiền thì người dân phải rất thận trọng, kiểm tra tính chính xác của mục đích việc nộp tiền.

Ngoài ra, một số nhà tuyển dụng còn giả mạo tên tuổi của tổ chức, cơ quan khác để tạo uy tín. Ứng viên cần kiểm tra, tham khảo trên mạng, gọi điện đến đơn vị tuyển dụng để xác tín trước khi tiếp tục giao kết.

Trong trường hợp biết mình bị lừa, nạn nhân cần trình báo cho cơ quan công an để xử lý.

Mức phạt với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền

Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, tại điểm c, khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm tù.

Luật sư HOÀNG TRỌNG GIÁP, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo Thảo Hiền - plo.vn