Những ngày này, liên tục các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại các Trung tâm Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM được xuất viện.
Đó không chỉ là niềm hạnh phúc khi chiến thắng bệnh tật của mỗi người bệnh mà còn là sự động viên tinh thần với những “chiến sĩ áo trắng”.
Niềm mong mỏi được hít khí trời thành hiện thực
Là 1 trong 7 bệnh nhân được xuất viện sau nhiều ngày được điều trị tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện (BV) Bạch Mai đặt tại BV Dã chiến số 16 TP.HCM, anh Bùi Phi Long xúc động: “Cứ ngỡ đã không thể nào qua khỏi. Giờ đã được trở lại cuộc sống bình thường, được hít khí trời vốn tưởng chỉ là niềm mong mỏi. Tôi sẽ ghi nhớ mãi những ngày nằm điều trị trong trung tâm vì đó là những ngày cam go, gian khổ nhưng cũng đầy ắp yêu thương, nỗ lực hy sinh của y, bác sĩ giành giật sự sống cho mình”.
Anh Long vốn mắc nhiều bệnh nền, dịch Coivd-19 ập đến khiến anh suy sụp và kiệt quệ sức khỏe, nhập viện cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Gần 20 ngày mê man, anh được đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực giành lại mạng sống.
Ông Phan Đình Tùng (60 tuổi) cũng không giấu nổi niềm vui trong ngày ra viện và không ngừng cảm ơn các thầy thuốc đã nỗ lực cứu chữa, giúp ông chiến thắng tử thần sau hơn 20 ngày điều trị tích cực.
Ông Tùng là 1 trong những bệnh nhân nặng nhất được điều trị đầu tiên tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 BV Việt Đức tại TP.HCM.
Theo chia sẻ của GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 BV Việt Đức tại TP.HCM, các bệnh nhân điều trị ổn định sức khoẻ và được ra viện, trở về đoàn tụ bên gia đình là món quà quý với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.
Trong đó, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải cần đến oxy lưu lượng cao, không đáp ứng, viêm phổi nặng... Nhiều bệnh nhân Covid-19 kèm các bệnh lý nền như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số bệnh nhân Covid-19 điều trị khỏi bệnh và ra viện lên tới gần 60 người.
Ngoài ra, các bệnh nhân khác đã hết triệu chứng sẽ tiếp tục được theo dõi và làm xét nghiệm PCR đánh giá, đủ tiêu chuẩn sẽ được ra viện và cách ly tại nhà theo quy định.
Tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 BV Bạch Mai hiện đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân nặng từ các Bệnh viện Dã chiến, bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.
Dù mới chỉ gần một tháng đi vào hoạt động, nhưng đã có hơn 200 bệnh nhân từ nặng và nguy kịch chuyển sang nhẹ, tốc độ hồi phục rất tốt, hơn 30 bệnh nhân nặng được xuất viện.
Chia sẻ về tình hình điều trị tại BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM (do BV Chợ Rẫy quản lý), BSCKII. Trần Thanh Linh phụ trách tại đây cho biết, BV có công suất 1.000 giường bệnh được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần BV Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (Thủ Đức).
Hiện đã có gần 800/1.000 giường đi vào hoạt động. Trong đó có gần 200 bệnh nhân phải thở máy. Thiết bị y tế, bao gồm những máy móc hiện đại nhất, cũng như lực lượng tinh nhuệ được Bộ Y tế và nhiều cơ sở liên tục đưa vào để xuyên ngày đêm cứu các bệnh nhân nặng.
Chạy đua với thời gian để giành giật sự sống
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các trung tâm, BV hồi sức đều được hoàn thành “thần tốc” trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Gần 70% bệnh nhân vào đây đều phải thở máy, cho thấy cường độ làm việc rất cao của đội ngũ thầy thuốc.
“Công tác điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đang phát huy hiệu quả cao. Việc phân loại bệnh nhân là rất quan trọng. Các bệnh nhân bệnh nền nhiều, lớn tuổi, nguy cơ cao thì giữ lại, các bệnh nhân trẻ, chuyển độ nhẹ sẽ phối hợp nhịp nhàng chuyển về tuyến dưới. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên mà còn cứu được nhiều bệnh nhân nguy kịch khác”, ông Khoa cho biết.
Còn theo BS. Linh, để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, tại BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM kết nối trực tuyến để hội chẩn thường xuyên với các bệnh viện tuyến dưới giúp nắm chắc tình hình các ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên.
Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tuyến dưới có thể chăm sóc, điều trị được thì lại chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến giúp việc điều trị thuận lợi, kịp thời và giảm quá tải.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của BS. Linh, cũng có những ca bệnh đưa đến với BV Hồi sức Covid-19 khi phổi đã xơ cứng. Có bệnh nhân đến bên “cửa tử” khi mới ngoài 20 tuổi.
Thế nên từng y, bác sĩ tại đây phải chạy đua để giành giật sự sống. Chính vì vậy, các tuyến dưới cần nắm chắc từng chuyển biến của các ca bệnh.
Bởi nếu chậm trễ phát hiện, để bệnh nhân chuyển thành nguy kịch rồi thì việc cứu chữa vô cùng khó khăn.
Điều may mắn là bên cạnh lực lượng y tế, hiện nay tại đây còn nhận được hỗ trợ của các tình nguyện viên đến chăm sóc người bệnh. Sự có mặt của lực lượng này vừa chia sẻ gánh nặng, áp lực công việc và là nguồn động viên, khích lệ tinh thần với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.
“Mặc dù còn vô vàn khó khăn trong cuộc chiến Covid-19 nhưng với tinh thần tất cả vì người bệnh, với chúng tôi mọi khó khăn đều sẽ vượt qua”, BS. Trần Thanh Linh nói.
Số ca tử vong ngày càng giảm mạnh
BS. Trần Thanh Linh, phụ trách BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM cho biết, BV Hồi sức Covid-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất, nên số bệnh nhân trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều.
Đây là đối tượng đòi hỏi cần kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có gần 2.000 bệnh nhân chuyển nhẹ và xuất viện.