Hà Nội đang nghiên cứu mở thêm các tuyến xe khách chạy ban đêm với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc, tối đa hoá hiệu quả khai thác các bến xe.
 
Mở bến xe sau 0h để đạt được 3 mục tiêu
 
Ý tưởng mở thêm các tuyến xe khách chạy đêm lần đầu được đề xuất khi Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện kiểm tra công tác phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ngay lập tức, ông Viện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất để báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT phê duyệt ngay trong năm 2020.
 
Theo ông Viện, việc bổ sung các tuyến xe khách chạy ban đêm nhằm đạt ba mục tiêu: Giảm ùn tắc, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông của thành phố vào các khung giờ ban ngày; Khai thác hiệu quả công suất hoạt động của các bến xe và cuối cùng là tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách.
 
“Để làm được việc này, thay vì đợi các doanh nghiệp vận tải đề xuất nhu cầu, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động rà soát lại quy hoạch luồng tuyến, từ đó đưa ra danh mục tuyến nhằm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động”, ông Viện nói và cho hay, cùng với công khai danh mục luồng tuyến, thành phố sẽ nghiên cứu, cho phép các tuyến chạy đêm được đi vào các đoạn, tuyến đường ngắn nhất nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách và giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải. Khi tổ chức được việc này, công tác tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện rộng rãi để hành khách biết và lựa chọn loại hình vận tải cũng như khung giờ di chuyển phù hợp.
 
Ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) cho biết, hiện mới có 105 tuyến xe hoạt động từ sau 20h tại các bến xe do công ty quản lý. Trong đó, Bến xe Giáp Bát có 12 chuyến, Bến xe Mỹ Đình có 70 chuyến, Bến xe Gia Lâm có 23 chuyến...
 
“Nếu thành phố thống nhất bổ sung vào quy hoạch luồng tuyến, đơn vị sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chủ trương này một cách hiệu quả nhất”, ông Hoàng khẳng định.
 
Ủng hộ đề xuất mở tuyến xe chạy đêm, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Giảng viên Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, bình thường, trên tuyến đường Phạm Hùng, Giải Phóng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ vào các khung giờ cao điểm, nhất là vào ngày thứ 6 do nhu cầu của sinh viên cũng như người dân về quê vào cuối tuần gia tăng. Lượng xe khách ra vào bến cũng đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trên tuyến đường, thậm chí nhiều xe khách còn dừng đón trả khách không đúng chỗ quy định càng dễ gây ra tình trạng ùn tắc.
 
“Việc mở tuyến xe chạy đêm cũng giúp cho khách hàng có thêm lựa chọn, nhưng quan trọng việc mở cần phải được nghiên cứu kỹ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Chưa nên mở rộng dẫn đến tình trạng xe chạy rỗng nhiều. Với các nhà xe đăng ký hoạt động ban đêm phải cam kết tuân thủ đúng luồng tuyến, biểu đồ chạy xe, tránh tình trạng thời gian đầu hoạt động vào ban đêm ít khách, khó khăn lại tìm cách chuyển sang hoạt động ban ngày, vừa phá vỡ quy hoạch luồng tuyến, vừa gia tăng ùn tắc giao thông...”, TS. Bình nói.
 
Ý kiến trái chiều
 
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Bão, Giám đốc Công ty CP Đại Phát, doanh nghiệp có tuyến xe khách chạy đêm đi Đà Nẵng ở Bến xe Giáp Bát bày tỏ lo ngại: “Hiện tại xe của chúng tôi đã rất ít khách. Theo quy định 30 phút phải có một chuyến xe xuất bến. Chúng tôi muốn giảm bớt tần suất đi bởi như vậy vừa về bến đón được vài khách lại phải xuất bến”, ông Bão nói và đề xuất tuyến đường dài dù chạy đêm hay chạy ngày cần giãn thời gian ra 1 tiếng/tuyến để DN vừa có thời gian đỗ xe, vừa xếp khách.
 
Cũng theo ông Bão, chạy xe đêm sẽ thuận lợi hơn cho cả hành khách, nhà xe. Ban đêm đường phố thưa vắng, không ùn tắc, ngủ qua một đêm là đến nơi, rất tiện cho hành khách. Tuy nhiên, việc di chuyển vào ban đêm chưa được coi là thói quen hay sở thích của phần lớn hành khách nên nếu mở bến sau 24h, thành phố cần có ưu đãi về phí bến, bãi; bố trí tần suất hoạt động phù hợp để các nhà xe có thể duy trì, thu hút thêm nhiều hành khách, tiến tới đưa các tuyến chạy đêm dần đi vào hoạt động ổn định.
 
Không đồng tình với đề xuất này, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội nêu 5 vấn đề bất cập.
 
Cụ thể, theo Phó chủ tịch Bùi Danh Liên, tại các bến xe của Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường lập trung vào các đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng” nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đã giảm hẳn. Có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch.
 
Thứ hai, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải tại Quyết định 2288 đã ấn định tần suất của 2 đầu bến. Việc kéo dài “đóng bến” sau 24h sẽ đảo lộn quy hoạch, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất TTATGT.
 
Thứ ba, tăng thêm giờ hoạt động trong khi lượng khách giảm, chi phí hành chính của bến xe tăng lên và các lực lượng quản lý xe khách như TTGT, Công an phải tăng theo, chi phi xã hội tăng bất hợp lý.
 
Thứ tư, tăng thêm giờ hoạt động nhưng phải đảm bảo đầu xe không tăng theo quy hoạch, đồng thời phải tuân thủ quy hoạch, với Hà Nội phải thực hiện theo hướng tuyến: Bắc - Bắc, Nam - Nam.
 
Cuối cùng, theo ông Liên, trường hợp quyết định tăng xe chạy sau 24h đêm, thành phố cần cho xe buýt chạy 24h/ngày để phục vụ nhân dân đi lại.