Doanh nghiệp kêu khó khi vận chuyển hàng hóa
Nói về cách phòng, chống dịch bênh của các địa phương, ông Phạm Văn Tải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải bộ Tân Cảng (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) cho hay, hiện xe tải chở hàng đi các địa phương đang phải trả thêm phí xét nghiệm cho tài xế và phụ xe. Do phía khách thay đổi lịch giao chậm vài ngày, nên… giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính của tài xế hết hạn phải bỏ.
Theo ông Tải, nhiều địa phương yêu cầu giấy xét nghiệm, nhưng theo tôi, một tờ giấy xét nghiệm âm tính chỉ mới là yếu tố cần, chứ chưa phải là yếu tố đủ để phòng chống dịch tuyệt đối được.
"Chúng tôi mong các tỉnh xem xét lại và có giải pháp căn cơ để doanh nghiệp vận chuyển hàng ra, vào thuận tiện hơn. Chẳng hạn dành luồng riêng cho xe vận tải hàng hóa khi đã có đầy đủ các yêu cầu về y tế hay vị trí đặt bàn kiểm tra khai báo y tế ra vào các địa phương có thể bố trí bàn xét nghiệm nhanh Covid-19”.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, vừa qua một số địa phương ban hành một số quy định nhằm tăng cường phòng chống dịch Covid-19 như: thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp trên địa bàn tăng cường các chốt kiểm soát. Những quy định này gây khó khăn cho phương tiện vận chuyển hang hóa đi qua các địa phương, dẫn đến lưu lượng hàng hóa, phương tiện lưu thông giảm 30 - 40% so với bình thường.
Các chốt kiểm dịch ùn ứ, kéo dài thời gian vận chuyển. Thời hạn của giấy xét nghiệm quá ngắn khiến tài xế phải đi làm xét nghiệm nhiều lần. Chi phí cho lái xe thực hiện xét nghiệm khi đi đến các tỉnh, nhà máy để giao nhận hàng từ 250.000 - 500.000 đồng/lần càng gây tốn kém cho doanh nghiệp. Việc các tỉnh yêu cầu người từ TP Hồ Chí Minh đến phải có giấy xét nghiệm thời hạn 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày thực tế khiến doanh nghiệp “chạy đua” làm xét nghiệm trong bối cảnh khó có thể bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Từ thực tế trên, ông Quản cho rằng, để phòng chống Covid-19 hiệu quả, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, cần tổ chức xét nghiệm tại các chốt kiểm soát ra vào địa phương. Bên cạnh đó, chỉ xét nghiệm đối với người đến, không xét nghiệm đối với người ra khỏi địa phương và thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm cố định là 7 ngày.
“Chủ phương tiện, người quản lý vận tải có trách nhiệm lập phiếu đi đường kèm theo mỗi chuyến hàng, trong đó ghi rõ họ tên lái xe, nơi đi, nơi đến và được dán giấy này lên kính xe để các đơn vị kiểm soát nhận diện, tránh tiếp xúc để phòng lây lan dịch bệnh. Đồng thời, đối tượng này cũng không được dừng nghỉ tại những điểm đông người, khu dân cư, chỉ được dừng nghỉ ở các điểm dừng chân, điểm vắng người và chỉ được ở trên phương tiện khi dừng nghỉ tạm thời”, ông Quản kiến nghị.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Đường bộ VN cho biết vừa đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đông Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long đề nghị phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa đảm bảo thông suốt 24/24 giờ.
Để việc vận chuyển hàng hóa thông suốt, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị UBND các địa phương trên chỉ đạo các sở, ban, ngành công bố công khai trên truyền thông các chốt kiểm soát, trình tự, nội dung, quy trình kiểm soát; số điện thoại đường dây nóng, tên người kiểm soát để thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải chuẩn bị trước các nội dung cho việc kiểm soát.
"UBND các tỉnh chỉ đạo tổ kiểm soát liên ngành bố trí một luồng riêng hoặc tăng thêm cửa kiểm tra để phục vụ cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, người lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa lưu thông nhanh nhất do đã thực hiện khai báo y tế trước, có giấy xét nghiệm âm tính với Sars-Cov-2 còn hiệu lực hoặc giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Đồng thời, có vị trí các điểm xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát liên ngành cho lái xe, người bốc xếp hàng hóa chưa có giấy xét nghiệm hoặc giấy xét nghiệm không còn hiệu lực", ông Huyện cho biết.
Tổng cục Đường bộ VN cũng giao Cục trưởng Cục QLĐB IV thay mặt Tổng cục Đường bộ VN làm việc với UBND các tỉnh, thành phố nêu trên xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông. Đồng thời, bố trí lực lượng phối hợp chặt với các cơ quan, đơn vị và lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để phân luồng, tổ chức giao thông đảm bảo cho các phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông thông suốt, liên tục 24/24 giờ; Không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế.
Ông Huyện cũng cho biết thêm, Tổng cục Đường bộ VN cũng đề nghị UBND các tỉnh giao Sở GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn có kế hoạch xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa và cung cấp trước thông tin cần thiết như: biển kiểm soát, họ tên lái xe, khai báo y tế trực tuyến, các giấy tờ liên quan đến xét nghiệm, tiêm vaccine cho các chốt kiểm soát liên ngành để thuận lợi cho phương tiện và người lái xe được vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm soát nhanh nhất.
Cùng đó, yêu cầu lái xe trong quá trình vận chuyển hàng hóa ghi thêm các nội dung về hành trình vận chuyển, địa chỉ điểm dừng nghỉ ăn uống dọc đường, danh sách các trường hợp tiếp xúc vào giấy vận tải (giấy vận chuyển) mang theo xe để phục vụ công tác truy vết (nếu có). Đảm bảo phương tiện thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Đồng thời, bố trí dự phòng lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa (nên bố trí những người lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa đã được tiêm phòng) để kịp thời thay thế ngay lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe đang vận chuyển hàng hóa trên đường hoặc tại các chốt kiểm soát bị nghi ngờ nhiễm bệnh.
"Thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình tại đơn vị, thường xuyên cập nhật, theo dõi hoạt động của phương tiện và yêu cầu lái xe báo cáo ngay về hành trình, dừng đỗ ăn nghỉ, lịch trình tiếp xúc để đảm bảo công tác truy vết. Yêu cầu người lái xe chỉ dừng đỗ dọc đường đúng theo các địa điểm đã ghi trong giấy vận tải, tập trung chạy thẳng đối với các tuyến vận tải hàng hóa có hành trình phải đi qua tỉnh trung gian", ông Huyện nói.
Trước đó, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, phân luồng các tuyến đường để giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại 8 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh.
Trong đó, Bộ GTVT giao Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN thay mặt cho Bộ GTVT chủ động làm việc, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các tỉnh giáp ranh để tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xuyên thông suốt (24/24). Tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế; Đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lái xe, phương tiện và phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả.