Tạp chí Người cao tuổi nhận được đơn của bà Tống Thị Lý, 69 tuổi, ở xóm 9, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc phản ánh về việc bà cùng một số thành viên trong gia đình không nhận được tiền bồi thường đất, khi Nhà nước thu hồi đất của gia đình.
Nội dung đơn của bà Lý cho biết: Bà Lý cùng với các con là: Trịnh Hồng Hải, Trịnh Thị Vân, Trịnh Thị Hiền, Trịnh Duy Lương là những người thừa kế tài sản của ông Trịnh Văn Cường (chồng bà Lý). Khi ông Cường chết không để lại di chúc, di sản thừa kế là quyền sử dụng đối với 7 thửa đất nông nghiệp sử dụng để trồng lúa, tương ứng với 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều đứng tên ông Cường. Phần di sản thừa kế này hiện chưa được phân chia và các thành viên trong gia đình đang cùng sử dụng chung.
Tuy nhiên, khi phát hiện nhóm người mang theo máy móc, phương tiện cơ giới đến đòi san lấp khu ruộng nêu trên, bà Lý và các thành viên còn lại mới biết khu đất đã bị thu hồi để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Minh. Trong quá trình liên hệ với UBND huyện Vĩnh Lộc để làm rõ vấn đề, bà Lý mới biết anh Trịnh Hồng Hải (con trai bà Lý) đã nhận tiền đền bù khi thu hồi đất đối với các thửa đất là di sản của ông Cường để lại.
Bà Lý cho biết: Bà và các thành viên trong gia đình rất băn khoăn, không biết chính quyền căn cứ vào đâu để thu hồi, bồi thường đối với phần đất là di sản của chồng bà để lại, trong khi các thành viên đang cùng quản lí, sử dụng. Vì sao khi thu hồi đất, bà Lý và các con là Vân, Hiền và Lương lại không nhận được bất cứ một thông tin nào mà chỉ mỗi anh Hải biết? Gia đình bà cũng chưa họp gia đình, hay ủy quyền cho anh Hải giải quyết việc trên.
Bà Lý cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ chuyên môn và Chủ tịch UBND xã, huyện về việc đã chi trả bồi thường sai đối tượng. Liệu có dấu hiệu sai phạm khi cán bộ xã tự tạo lập hồ sơ, đền bù một người nhưng lại cho rằng đền bù hết cả gia đình bà? Bởi lẽ, khi anh Hải nhận tiền đền bù, các thành viên còn lại đều không nắm được thông tin, càng không có bất kì ý kiến, văn bản ủy quyền nào về việc ủy quyền cho anh Hải thay mặt gia đình nhận tiền đền bù. Việc chính quyền địa phương chi trả toàn bộ tiền bồi thường cho anh Hải đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các thành viên còn lại, đồng thời trực tiếp tạo ra những tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền địa phương cho rằng, đất của gia đình bà Lý bị thu hồi để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Minh, nhưng cho đến thời điểm này, bà Lý và các thành viên không nhận được bất kì quyết định thu hồi đất và phương án đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo bà Lý, quy trình thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được quy định cụ thể tại Điều 69 Luật Đất đai. Theo đó, trước khi tiến hành thu hồi đất phải có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, phải xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ người bị thu hồi đất. Phải có quyết định thu hồi đất của UBND các cấp có thẩm quyền, phải công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi…
Về Dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Minh, bà Lý cho biết: Bà và các thành viên trong gia đình không hề biết và không nắm được bất kì thông tin nào về dự án. Trong các buổi làm việc, phía chính quyền địa phương cũng không cung cấp thông tin về dự án, bao gồm mục đích thu hồi đất, phạm vi và tính chất của dự án, bản đồ quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Vậy, căn cứ nào xác định diện tích đất của gia đình bà nằm trong phạm vi dự án? Bên cạnh đó, trong những buổi làm việc, UBND xã Minh Tân đã yêu cầu bà Lý và các thành viên kí vào các biên bản được đánh máy sẵn từ trước, bỏ qua nội dung làm việc.
Bà Lý kiến nghị: “Chúng tôi là những người dân lao động, hiểu biết về pháp luật hạn hẹp, nay trước việc tài sản của mình bị xâm phạm, có nguy cơ bị mất trắng nên rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho chúng tôi”.
Bà Lý còn cho rằng, đây là dự án thu hồi cho doanh nghiệp thì phải thương lượng bồi thường với người dân. Nếu thu hồi cho Nhà nước thì cũng cần làm rõ xây dựng cụm công nghiệp thì dự án chi tiết như thế nào? “Hiện nay, doanh nghiệp được giao đất đã thu hồi đất của một số hộ dân khác là rao bán ngay giá lên tới 900 triệu đến mấy tỉ đồng một sào. Như vậy, doanh nghiệp chỉ đổ đất san bằng và “sang tay” đã bỏ túi rất nhiều tỉ đồng. Trong khi đó, người dân thiệt thòi không còn đất để trồng cấy lúa, hoa màu, chỉ được đền bù vài chục triệu đồng. Đó là cách làm việc cực kì vô lí. Người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi cả tương lai về mai sau”, bà Lý bức xúc.
Liên quan đến sự việc, ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Việc thu hồi đất nhà bà Lý là Dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Minh. Việc thu hồi đất này đúng theo các quy định. Anh Hải là người đại diện kí nhận hỗ trợ bồi thường. Có văn bản họp gia đình của nhà bà Lý. Còn việc doanh nghiệp thu hồi xong, có diện tích đã rao bán lại luôn cho người dân với giá lên tới hàng tỉ thì có thể là diện tích đó doanh nghiệp được rao bán. Vì quy hoạch cho doanh nghiệp có khoảng không xây dựng phòng ốc, có khoảng xây nhà xưởng công nghiệp…
Ông Khải khẳng định, xã làm việc không có chuyện tạo dựng hồ sơ khống. Theo quy định, giá thu hồi đất nông nghiệp không quá 75 triệu đồng/sào 500m2, đã tính cả đền bù hoa màu. Người dân nói doanh nghiệp không đối thoại với dân cũng không đúng, vì khi họp thu hồi đất có cả doanh nghiệp và cả người dân. Đối với nội dung sổ đỏ đất lúa thu hồi của người dân thu hồi sao không thu hồi sổ đỏ, ông Khải cho rằng, sổ đỏ đó giờ đã không còn giá trị nữa bởi đất lúa dân trồng đã dồn điền đổi thửa.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá nhanh chóng vào cuộc làm rõ việc khiếu nại trên, để pháp luật được thực thi nghiêm minh, các quyền lợi hợp pháp của người dân sớm được bảo vệ.