lum-xum-vu-ca-si-thuy-tien-bi-to-an-chan-tien-tu-thien-co-quan-dieu-tra-can-vao-cuoc-1632838076.jpg
Xung quanh ồn ào ca sĩ Thủy Tiên bị tố ăn chặn tiền từ thiện khiến dư luận liên tục đưa ra các ý kiến tranh luận gay gắt. Ảnh: Internet

Nữ doanh nhân tuyên bố: “Có đầy đủ chứng cứ và sẽ công khai cho thiên hạ biết rõ”. Không những thế, nữ doanh nhân này còn chỉ đích danh tên tuổi của những nghệ sỹ đã ăn chặn tiền từ thiện.

Không chỉ có những người theo dõi kiểu "hóng chuyện" mà cả những tri thức nổi tiếng cũng rất quan tâm với nhiều nỗi suy tư.

Sự việc này, cho đến lúc này, chưa cơ quan có chức năng nào vào cuộc, kết luận về tính xác thực của nó. Dù thế, sự việc vẫn rất “hot”. Cuộc khẩu chiến bằng hình thức livestream giữa nữ doanh nhân - “Bên bóc phốt” và các nghệ sỹ - “Bên bị bóc phốt” vẫn chưa đi đến hồi kết.

Liên tục cả hai phe đều đưa ra các bằng chứng để phản bác, chứng minh bên mình đúng, đối phương sai. Không ít báo chí chính thống đưa tin nhưng cũng chỉ xoay quanh một vài “Lời trần tình”, “Bộc bạch” từ một phía của những người trong cuộc. Chắc chắn còn phải chờ xem…     

Kêu gọi sự chung tay, đóng góp để san sẻ khó khăn với đồng bào mình trong hoạn nạn là việc làm rất tốt. Đó là giá trị nân văn, tinh thần bác ái, tương thân của người Việt Nam. Rất cần thiết phải có ai đó kêu gọi, tập hợp những tấm lòng thiện nguyện. Nhờ đó, sự giúp đỡ, san sẻ gánh nhọc nhằn mới kịp thời và hiệu quả hơn.  

Nhưng tại sao lại xảy ra nghi vấn các nghệ sỹ ăn chặn tiền kêu gọi làm từ thiện? Làm sao để người dân yên tâm đóng góp từ thiện? Liệu lòng tốt có bị lợi dụng?

Thiết nghĩ không hề khó để giải quyết vấn đề này. Nếu thực tâm thiện nguyện những người trực tiếp kêu gọi sự đóng góp và các nhà quản lý xã hội sẽ có giải pháp. 

Đầu tiên cần phải nói đến trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức kêu gọi đóng góp để làm từ thiện. Công việc này đòi hỏi phải xuất phát từ tâm tính thiện và tự nguyện; Không lợi dụng lòng tốt của xã hội để trục lợi; Phải hướng đến những mục tiêu cao cả của làm từ thiện là chia sẻ vì đồng bào, không phải vì mình cả về vật chất lẫn danh tiếng.

Mặt khác, phải xác định được quyền của các nhà hảo tâm đã đóng góp từ thiện. Họ có quyền được biết tiền/hàng hóa của mình đã đi đến đâu, có đến đúng địa chỉ hay không. Tiền/hàng hóa của họ cần được kiểm soát trong quá trình đến với đồng bào, không thể giao phó hoàn toàn vào người kêu gọi/huy động từ thiện, muốn làm gì thì làm. 

Chính vì vậy, các cá nhân và tổ chức kêu gọi thiện nguyện cần phải tuân thủ nguyên tắc: Công khai, minh bạch về tài chính.

Việc công khai, minh bạch số tiền/hàng hóa được người dân đóng góp và đi được đi đến đâu hoàn toàn không hề khó. Trong điều kiện công nghệ số thì đó là điều hoàn toàn có thể. Vấn đề là người tổ chức quyên góp từ thiện có nhận thức yêu cầu công khai, minh bạch là nguyên tắc cốt yếu hay không mà thôi. Không phải vô cớ mà dân mạng đòi hỏi các nghệ sỹ quyên góp từ thiện sao kê ngân hàng, tại sao chưa sao kê.

Về phía các nhà quản lý xã hội, cần xem xét lại tính thực tiễn của hai văn bản quy phạm pháp luật về kêu gọi từ thiện hiện nay (Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC). Nhanh chóng xây dựng bộ nguyên tắc hoạt động từ thiện, đảm bảo hoạt động từ thiện đúng pháp luật, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao. Chỉ có như vậy việc quyên góp từ thiện mới không bị biến tướng, không bị lợi dụng để trục lợi./.