1. Nhưng tại Hà Tĩnh, với phương châm “im lặng là vàng”, mọi vấn đề vẫn “cứ thế, êm rứa, lặng lẽ ta mần”. Không thấy có văn bản đình chỉ, chấn chỉnh từ phía Sở GD&ĐT, hoặc đã có nhưng không công bố rộng rãi?
Doanh nghiệp tư nhân, được thể, vẫn lặng lẽ câu kết, vươn vòi bạch tuộc vào các trường, để tổ chức chương trình kỹ năng sống với mục tiêu “làm kinh tế” từ túi tiền còm cõi của đa số phụ huynh.
2. Bản chất chương trình “kỹ năng sống” hiện nay là lừa dối, thu siêu lợi nhuận. Chương trình do doanh nghiệp tư nhân tự sáng tác ra (không được Bộ GD&ĐT phê duyệt), chồng chéo, trùng lặp với các kỹ năng trẻ em đã có sẵn hoặc đã được nhà trường rèn luyện; ngoài ra còn những kỹ năng chỉ vẽ ra cho hoành tráng vì không thể thực hiện được (kỹ năng thoát hiểm khi ô tô rơi xuống nước, kỹ năng cấp cứu người bị bệnh cấp tính…). Về nguyên tắc, nhà trường, gia đình có trách nhiệm rèn luyện cho học sinh.
3. Bị hấp dẫn bởi hoa hồng (xem ảnh), hoặc do chỉ đạo, hoặc do u mê, một số Hiệu trưởng đã nhắm mắt ký bừa, đưa vào rồi tìm cách ép phụ huynh đăng ký, mà hoàn toàn không đem lại một chút hiệu quả gì. Lãnh đạo một số Phòng Giáo dục & Đào tạo cũng ủng hộ chương trình này. Nghe họ trả lời báo chí, thấy quá vô lý.
4. Báo Lao Động ngày 21/09/2023 phản ánh: “Tại Trường Tiểu học thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), năm học 2022 - 2023 toàn bộ 933 học sinh của trường đăng ký học kỹ năng sống. Chương trình học cũng được nhà trường liên kết với Trung tâm POKI cung cấp bài giảng, sử dụng giáo viên và phòng học của trường để giảng dạy. Chi phí phía trung tâm thu 10.000 đồng/tiết/học sinh. Chương trình dạy 32 tiết/năm.
Cũng theo bà Loan, năm học mới 2023 - 2024 này nhà trường chưa triển khai liên kết dạy kỹ năng sống, nếu được phụ huynh đồng thuận thì sẽ tiếp tục dạy”.
-> Nghĩa là bà Loan (Phó Hiệu trưởng) không hề thấy bất cập gì của chương trình này cả? Nếu phụ huynh đồng ý thì trường vẫn dạy? Trong khi thực tế ngược lại, trường nào triển khai, hiệu trưởng chỉ đạo, giáo viên chủ nhiệm vận động, rồi chèn tiết vào giờ chính khóa, thì phụ huynh mới đăng ký; chứ đa số phụ huynh không hiểu trường đang dạy cái gì. Bà có biết vì sao có rất nhiều Hiệu trưởng ở Hà Tĩnh họ từ chối chương trình này từ vòng gửi xe?
“Ông Nguyễn Tuấn Lĩnh - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc - cho biết, năm học 2022 - 2023 tất cả 19 trường tiểu học ở huyện Can Lộc đều liên kết với Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống POKI để dạy kỹ năng sống cho học sinh. Ông Lĩnh cũng cho rằng, với những chuyên môn sâu về kỹ năng sống thì việc sử dụng giáo viên của các trường dạy có thể chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, với chương trình ở cấp tiểu học dễ hơn thì giáo viên sẽ dạy được, truyền đạt được”.
-> Xin hỏi ông Lĩnh, giáo viên tiểu học, có chuyên môn, kĩ năng gì để dạy cho học sinh các kĩ năng như cấp cứu, thoát hiểm? Tại sao cấp tiểu học lại “dễ hơn”? Dạy kỹ năng sống mà không có chuyên môn, không có thiết bị, môi trường… thì dạy kiểu gì? Ông nói thế nghĩa là ông vẫn thấy chương trình này ok? Và xa hơn, cả tập thể Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vẫn thấy ok (nên mới im lặng)?
Nên cách chức các Hiệu trưởng liên kết dạy "kỹ năng sống"
- Hà Tĩnh hiện nay có 221 trường tiểu học, nhưng năm học 2022 - 2023 chỉ có khoảng 50 trường liên kết với tư nhân dạy kỹ năng sống. Liệu có phải có khoảng 170 hiệu trưởng còn lại không biết “cái hay” của cái gọi là “kỹ năng sống” liên kết tư nhân để triển khai cho học sinh, lại bản thân có hoa hồng? Hay là: họ biết rõ chẳng ích lợi gì, không muốn phiền hà học sinh, nên đã từ chối?
- Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, tại sao cái gọi là “kỹ năng sống” chỉ hoạt động chủ yếu ở Can Lộc và Hương Sơn? Có cái gì đó bất thường ở đây: Nếu một chương trình tốt và hiệu quả, tại sao lãnh đạo 11 Phòng GD còn lại không mặn mà? Đã có sự khảo sát nào so sánh về kỹ năng sống của trẻ em không học “kỹ năng sống” tăng cường và trẻ em có học?
- Những con số biết nói đã nói lên tất cả. Thôi, tóm gọn lại, cách đơn giản và chuẩn nhất là lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, lãnh đạo các huyện nên có chỉ đạo báo cáo (đúng bản chất) của cái gọi là chương trình liên kết với tư nhân dạy “kỹ năng sống” trong nhà trường tiểu học hiện nay, yêu cầu tạm dừng để rà soát (có thể bằng văn bản hoặc chỉ đạo trong cuộc họp). Nếu Hiệu trưởng nào vẫn ngoan cố thực thi, thì đó là căn cứ rõ ràng để nhận diện một cán bộ quản lý giáo dục thoái hóa biến chất, vụ lợi (hoặc u mê) cần cách chức ngay và luôn!
- P/s: “Kỹ năng sống” - như nhút thúi rồi, nên bỏ đi thôi!