Cách ly, theo dõi hàng nghìn công dân từ các tỉnh có dịch trở về quê hương và tập trung ứng phó với tình huống có ca bệnh cộng đồng, cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào chặng đường thử thách mới. Ở đó, một lần nữa, tinh thần tình nguyện, vượt khó được khơi dậy mạnh mẽ ở tất cả các lực lượng tham gia với quyết tâm ngăn dịch bùng phát.
Xác định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, mỗi cán bộ y tế cơ sở ở Hà Tĩnh luôn nỗ lực động viên, kiên trì vượt qua gian khó, đoàn kết, hỗ trợ nhau từng ngày trong cuộc chiến đấu trường kỳ với đại dịch.
Vừa tiếp nhận số lượng lớn công dân trở về từ các vùng có dịch, vừa ứng phó với ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng ở xã Cẩm Dương, lực lượng phòng, chống dịch, nhất là hệ thống y tế của Cẩm Xuyên phải gánh vác khối lượng công việc nặng nề, phức tạp.
Bác sỹ Trần Huy Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên bày tỏ: “Thời gian này, cả hệ thống y tế từ huyện đến các xã, thị trấn phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, anh em đều phải nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhân viên y tế thực hiện đo thân nhiệt, giám sát sức khỏe các trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung của huyện Cẩm Xuyên.
Lực lượng cán bộ, nhân viên y tế được phân chia thực hiện nhiệm vụ quản lý tại 3 khu cách ly tập trung của tỉnh, 7 khu cách ly của huyện và 34 khu cách ly của các xã, thị trấn với tổng số người đang cách ly trên 3.000 trường hợp. Toàn bộ cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế đều phải vào cuộc hết mình.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ lấy mẫu của Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên chia sẻ: “Số lượng người cách ly lớn trong khi tổ lấy mẫu chỉ được 4 người nên gần như chúng tôi không có thời gian nghỉ. Cứ 6h sáng ra khỏi cơ quan có khi 2 - 3h sáng hôm sau mới về. Căng nhất là vào ngày 7/8, khi phát hiện ca bệnh tại xã Cẩm Dương, chúng tôi vừa phải lấy mẫu cho các F1, F2 liên quan đến ca bệnh, đồng thời tiếp tục lấy mẫu cho những người đi về từ vùng dịch. Tổng số trong ngày đó xấp xỉ 1.000 mẫu. Dẫu đến cuối ngày chúng tôi đều mệt rã rời, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, anh chị em lại khẩn trương đưa mẫu ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm kịp thời”.
Xác định yêu cầu công việc, sau một đêm nghỉ ngơi, ngày hôm sau các chị lại hăng hái khoác chiếc áo xanh “hành quân” vào các khu cách ly lấy mẫu như thường lệ.
Dốc toàn lực cho tuyến đầu chống dịch, cán bộ, nhân viên y tế huyện Cẩm Xuyên ai cũng nêu cao tinh thần gương mẫu, hy sinh để cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ. Y sỹ Hoàng Thị Sương - Trạm Y tế xã Nam Phúc Thăng chỉ còn 2 tháng nữa là được nghỉ công tác theo chế độ, tuy nhiên, khi dịch diễn biến phức tạp, khối lượng công việc lớn, chị nhận nhiệm vụ chăm sóc y tế tại khu cách ly tập trung của huyện ở Trạm Y tế xã Cẩm Nam cũ.
“Hiện nay, tại đây đang cách ly 17 người, phần lớn đều là các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh ở Cẩm Dương nên nguy cơ khá cao. Dịch đang diễn biến căng quá, anh em trong trạm đều được cử đi hỗ trợ các khu cách ly cả rồi nên dù gần về hưu nhưng tôi quyết nhận nhiệm vụ để “chia lửa” cùng mọi người. Nếu sau 2 tháng nữa mà dịch tạm ổn thì tôi cũng yên tâm về nghỉ chế độ, còn khi dịch diễn biến phức tạp và đơn vị vẫn cần nhân lực thì tôi sẵn sàng viết đơn ở lại công tác tiếp” - y sỹ Sương chia sẻ.
Tại huyện Lộc Hà, người về từ vùng dịch đông, ca bệnh được phát hiện trong số công dân về quê đang cách ly tập trung khá lớn khiến đội ngũ y tế cơ sở vừa dồn dập với công việc, vừa đối diện với những nguy cơ không nhỏ.
Dược sỹ Hoàng Thị Thanh - Trạm Y tế xã Thịnh Lộc cho biết: “Số lượng công dân về trên địa bàn rất đông nên gần như anh em phải phân chia nhau trực 24/24h để đón người về khai báo, cách ly. Có những đêm chúng tôi phải tiếp nhận, đưa từ 10 -15 người đi cách ly tập trung. Ngoài ra, để “chia lửa” với y tế tuyến huyện, chúng tôi cũng đảm nhận luôn việc lấy mẫu xét nghiệm cho công dân trong 2 khu cách ly trên địa bàn xã và người cách ly tại nhà. Anh chị em chúng tôi cứ sáng là đi sớm đến tối mịt mới về, thường xuyên tiếp xúc với những công dân có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nên rất lo cho mình và gia đình”.
Công dân Lộc Hà về từ các tỉnh phía Nam tiến hành khai báo y tế.
Đặc biệt, trước số lượng ca bệnh từ những người đi về trên chuyến tàu SE 14 xuất hiện khá nhiều, huyện Lộc Hà đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung, thay vì cách ly 14 ngày theo quy định của tỉnh sẽ thực hiện cách ly thêm 7 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc, những cán bộ y tế, quân sự, công an đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung sẽ tiếp tục ở lại lâu hơn so với kế hoạch ban đầu.
Người dân trở về từ địa bàn các tỉnh phía Nam thực hiện khai báo y tế tại Trung tâm Y tế xã Thịnh Lộc.
Y sỹ Trần Văn Phương - Trạm Y tế xã Thịnh Lộc, được phân công thực hiện nhiệm vụ ở khu cách ly Trường Mầm non xã Thịnh Lộc, chia sẻ: “Khu cách ly đón 18 công dân trở về trên chuyến tàu SE 14. Sau một thời gian cách ly, tại đây đã ghi nhận 9 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Chúng tôi cũng rất lo lắng và đồng tình với việc kéo dài thêm 7 ngày cách ly để đảm bảo an toàn. Đối với anh em chúng tôi, ở lại đây thêm 7 ngày nữa cũng không có vấn đề gì cả, bởi khi vào nhận nhiệm vụ tại đây, chúng tôi đã coi mình như là công dân cách ly rồi. Khi nào bà con đang cách ly có thể yên tâm để trở về gia đình, đảm bảo an toàn cho họ và cộng đồng thì chúng tôi mới có thể rời vị trí”
Nữ nhân viên y tế tại Can Lộc mệt lả khi phải làm việc nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng.
Từ cuối tháng 6/2021, Hà Tĩnh bắt đầu đón công dân từ các tỉnh miền Nam về quê với số lượng đến thời điểm này lên tới gần 11.000 người. Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch mới, khoảng 1.000 cán bộ y tế cơ sở đã được điều động. Làm việc trong điều kiện nắng nóng, áp lực công việc lớn nên không ít các y, bác sỹ đã có lúc kiệt sức.
Bác sỹ Nguyễn Viết Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Can Lộc cho biết: “Với trên 1.300 công dân đang cách ly tại 42 cơ sở nên gần như ngày nào 14 thành viên trong tổ lấy mẫu cũng phải đi về các khu cách ly ở 18 xã, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ từ sáng sớm đến tối mịt. Nhiều người đã kiệt sức nhưng chỉ sau một buổi nghỉ ngơi lại xung phong tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Sự nỗ lực, xả thân của đội ngũ cán bộ y tế ở Hà Tĩnh đang tạo sức mạnh to lớn trong cuộc chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh COVID-19.