Trong số 431 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng, giấy chứng nhận giả, Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp, xác định 76 người đã sử dụng văn bằng giả vào các mục đích khác nhau.
 
Lộ diện người giúp sức tích cực cho Chủ tịch Trường Đại học Đông Đô
 
Liên quan vụ bằng giả ở Trường Đại học Đông Đô , 10 bị can trong vụ án đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ra Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử về tội "Giả mạo trong công tác", trong đó có cựu Hiệu trưởng Dương Văn Hòa.
 
Cơ quan truy tố cáo buộc, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp , thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.
 
Cơ quan điều tra đã làm rõ được 210 trường hợp để kiến nghị xử lý theo quy định, còn 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
 
Ở vụ án này, Trần Khắc Hùng là người có vai trò chủ mưu, khởi xướng, tổ chức và chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, do Trần Khắc Hùng đã bỏ trốn, đến nay truy nã chưa có kết quả nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được Hùng sẽ xử lý.
 
Người được xác định đồng phạm, tích cực thực hiện hành vi phạm tội với Trần Khắc Hùng là cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô Dương Văn Hòa.
 
Bị can Hòa biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật nhưng từ ngày 22/5/2018 đến ngày 29/3/2019, Hòa ký 429 bằng giả.
 
Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm rõ 208 trường hợp được cấp văn bằng giả, xác định được họ tên, tuổi, nơi cư trú, chức vụ, đơn vị công tác.
 
Còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi, người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
 
Ngoài ra, Hòa còn ký các văn bản quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, năm 2018 ngày 25/5/2018; quyết định về việc công nhận tốt nghiệp hệ Đại học, hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, năm 2018 bổ sung số 315 ngày 2/8/2018; quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, năm 2018 bổ sung số 514 ngày 2/10/2018; quyết định về việc công nhận tốt nghiệp hệ đại học văn bằng 2 chính quy đợt 2 năm 2018 số 633, ngày 5/12/2018.
 
Dương Văn Hòa còn giới thiệu 2 trường hợp để Trường Đại học Đông Đô làm thủ tục để cấp bằng là Trần Thị Quỳnh và Hoàng Hạnh Phương.
 
Cán bộ Thanh tra dùng bằng giả
 
Cáo trạng thể hiện, trong số 210 trường hợp được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, Cơ quan điều tra đã xác định 76 người đã sử dụng.
 
Trong đó, 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh và 9 trường hợp sử dụng vào mục đích khác, gồm: 2 trường hợp để học thạc sỹ; 4 trường hợp để kê khai hồ sơ công chức, viên chức; 1 trường hợp để thi tuyển công chức; 1 trường hợp để thi nâng ngạch công chức; 1 trường hợp để thi thăng hạng viên chức.
 
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời kiến nghị cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả.
 
Đối với 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, cơ quan chủ quản đã xử lý: 2 trường hợp miễn nhiệm chức vụ; 14 trường hợp cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm; 6 trường hợp tự kiểm điểm và nhận lỗi; 2 trường hợp lao động tự do nên không kiến nghị xử lý; 43 trường hợp đang xem xét kiểm điểm trách nhiệm, chưa có thông báo kết quả xử lý.
 

Cơ quan điều tra xác định, có 1 trường hợp sử dụng bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp để thi nâng ngạch thanh tra viên. Trong ảnh là mẫu bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô. (Ảnh: N.Đ)
 
Đối với 9 trường hợp sử dụng vào mục đích khác:
 
2 trường hợp học thạc sỹ (1 trường hợp xin rút hồ sơ học thạc sỹ, cơ quan chủ quản kiểm điểm, không xem xét thi đua năm 2020 – 2021; 1 trường hợp bị cơ sở đào tạo thu hồi bằng thạc sỹ và cơ quan chủ quản kỷ luật cảnh cáo); 4 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ (1 trường hợp bị cơ quan chủ quản phê bình; 3 trường hợp chưa nhận được kết quả xử lý); 1 trường hợp thi tuyển công chức (cơ quan chủ quản không công nhận kết quả thi, đã nghỉ việc); 1 trường hợp sử dụng thi thăng hạng viên chức (cơ quan chủ quản đã thu hồi quyết định thăng hạng viên chức).
 
Đáng chú ý, theo cáo trạng, đã có 1 trường hợp sử dụng văn bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp để thi nâng ngạch thanh tra viên. Người này hiện đã xin rút kết quả thi và được chấp nhận.
 
Ở một diễn biến khác, ngoài các đối tượng đã khởi tố, kết quả điều tra vụ án còn xác định 4 cá nhân có hành vi giới thiệu các học viên để được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả.
 
Trong đó, Nguyễn Thị Hiền (SN 1987, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đào tạo phát triển giáo dục Việt Nam) giới thiệu 14 học viên; Nguyễn Hải Yến (SN 1986, nhân viên Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Đông Đô) giới thiệu 12 học viên; Vũ Bá Sinh (SN 1984, Phó Trưởng khoa Thú y Trường Đại học Đông Đô) giới thiệu 7 học viên; Trần Thị Yến (SN 1986, Kế toán Trường Đại học Đông Đô) giới thiệu 6 học viên.
 
Những cá nhân này biết Trường Đại học Đông Đô tổ chức hợp thức hồ sơ để cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả nhưng vẫn giới thiệu các cá nhân có nhu cầu để được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng giả.
 
Hành vi của các cá nhân nêu trên có dấu hiệu đồng phạm về tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò giúp sức trong việc thực hiện cấp bằng giả.
 
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, các cá nhân trên không trực tiếp tham gia hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả, không được hưởng lợi, có nhân thân tốt nên không xử lý hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng hình thức khác theo quy định.