Nhiều ý kiến chia sẻ là những người giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản thì không lựa chọn vào Trung ương. Và chỉ có dân mới kết luận được vấn đề này.
 
Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt chú ý đến phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nhấn mạnh về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13.
 
Đó là phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết.
 
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chuẩn bị nhân sự cho kỳ Đại hội này, Trung ương rất thận trọng, vì có những bài học để lọt vào cấp cao những người suy thoái.
 
"Bài học đó phải rút ngay trong Đại hội này, với tinh thần phải hết sức thận trọng. Làm cách nào để biết được thì trách nhiệm không chỉ Trung ương, của các cấp lãnh đạo, mà của cả từng đảng viên trong cơ quan, đơn vị. Để cho người ta lọt vào nhiều vòng là phải có nhiều chủ thể chịu trách nhiệm, ở mỗi khâu mình đảm trách. Việc đầu tiên phải phát huy chi bộ, tổ chức Đảng, cấp quản lý cán bộ đó, trách nhiệm từ đánh giá nhận xét, đến xác minh hồ sơ lý lịch, kê khai tài sản, kê khai hồ sơ….” - ông Nguyễn Minh Tuấn phân tích.
 
Còn nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt thì cho rằng, Ban Tổ chức phải có trách nhiệm lớn, chịu trách nhiệm trong lựa chọn cán bộ. Nếu quan điểm không đúng, chọn sai, cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có ý đồ cá nhân thì cần làm rõ trách nhiệm.
 
“Nếu cấp nào cũng rõ trách nhiệm, dám nhận trách nhiệm như lời hứa, lời thề trước dân, trước Đảng thì chắc chắn sẽ chọn lựa được cán bộ tốt. Có vấn đề phải dám thể hiện trách nhiệm rõ ràng. Ban Tổ chức Trung ương hứa trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư lựa chọn không có những người bị lỗi trong tiêu chuẩn thì không phải lăn tăn, lo nghĩ về việc đồng chí có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Tôi nghĩ cơ quan tổ chức trước hết phải chịu trách nhiệm”, ông Duyệt nêu quan điểm.
 
Cán bộ đảng viên và nhân dân cũng đồng tình với quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng ai làm việc có lợi cho nước cho dân, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển bảo vệ tổ quốc, có uy tín trong dân, thực sự tiêu biểu, gắn bó đoàn kết thành một khối thống nhất thì người đó vào Trung ương. Đồng thời đề nghị, kiên quyết không để lọt những người biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lợi ích nhóm.
 
Ông Dương Quang Phái, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cần tin dân, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ.
 
“Nhiều ý kiến chia sẻ là những người giàu nhanh, nhiều xe sang, nhiều nhà đất thì không đưa vào Trung ương. Theo tôi ý kiến đó là đúng, nhưng làm sao để kết luận được họ? Đây là vấn đề rất khó, cho nên để giải quyết được vấn đề này thì vai trò của cấp ủy quản lý đảng viên rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân. Cán bộ có bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe, dân biết cả. Nhưng phải có cơ chế để người dân nói ra", ông Phái nêu rõ.
 
Xây dựng một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh; thật sự đoàn kết, thống nhất cao là mong muốn và quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho nhiệm kỳ khóa 13.
 
Bài học để lọt cán bộ suy thoái từ nhiệm kỳ khóa 12 cho thấy, công tác cán bộ đòi hỏi hết sức thận trọng. Trong đó có vai trò quan trọng của công tác tổ chức trong lựa chọn cán bộ. Đặc biệt, cần tin dân, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài.