Dẫu biết mùa dịch bệnh có rất nhiều câu chuyện đau thương đã diễn ra, nhưng đừng vì thế mà chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào điều tiêu cực. Bởi đâu đó trong cuộc sống này, vẫn còn những ‘ông bụt, bà tiên’ tồn tại để tạo nên phép màu.

Còn nhớ trong đợt dịch lần trước, khi cả nước đồng lòng cách ly xã hội suốt 14 ngày, rất nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp. Khó khăn nhất vẫn là người nghèo, phải mưu sinh chạy ăn từng bữa.
 
Thương cảm và thấu hiểu, chị Nguyễn Thị Kim Hưởng đã làm một việc đầy nhân văn, đó chính là nhận 'nuôi’ hơn 20 công nhân thất nghiệp. 
 
 
Chị Hưởng đang nấu cơm cho anh em công nhân (Ảnh: Zing.vn)
 
Theo tìm hiểu, chị Hưởng (37 tuổi, quê Hậu Giang) cùng chồng ra Nha Trang được gần 10 năm nay. Hai vợ chồng bà nhận thầu lại các hạng mục công trình xây dựng và thường tuyển công nhân cùng quê để làm.  Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công trình ngưng hết nên các công nhân của vợ chồng mất việc, khó khăn chồng chất. Trước đây, họ làm các công việc thợ đá, cửa nhôm kính, thợ hồ.
 
Trong những ngày tháng ấy, dù cũng không dư dả lắm nhưng vợ chồng chị Hưởng vẫn chi tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt của hơn 20 công nhân tại căn nhà rộng chừng 40 m2 ở hẻm nhỏ trên đường Mai Xuân Thưởng, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa.
 
Được em gái giao nhiệm vụ nấu ăn ngày 2 bữa, chị Nguyễn Thị Kim Dung thấu hiểu khó khăn của các công nhân khi không có việc làm. "Em gái bảo giúp được ai mình cứ giúp, họ gặp khó khăn cũng như lúc mình bị hoạn nạn thôi. Cũng mong dịch bệnh qua nhanh, chứ kéo dài chắc không trụ nổi vì em gái cũng không khá giả gì", chị Dung nói.
 

Chị Dung cũng góp một tay để giúp đỡ (Ảnh: Dân Trí)
 
Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của nhóm công nhân, một số nhà hảo tâm đã đến nhà trọ tặng một ít gạo để giúp họ đắp đổi qua ngày, chờ công việc phục hồi.
 
"Từ khi dịch bệnh bùng phát, các công trình ngưng xây dựng nên công nhân như bọn tôi không có việc làm. Tính bụng chỉ ít ngày là hết dịch, nhưng dịch kéo dài nên kẹt lại đây luôn, may nhờ chị Hưởng nuôi ăn ở", anh Nguyễn Minh Chánh quê Đồng Tháp, cho biết.
 
 "Không việc làm, không lương mà được ăn no, bọn mình còn may mắn hơn rất nhiều người ngoài kia", anh Lê Văn Huy, quê Hậu Giang, nói.
 
Là một công nhân được cưu mang, anh Trương Văn Chỉnh (37 tuổi, quê Bình Định) chia sẻ: “Em làm bên ốp lát đá cho công trình xây dựng nhưng do dịch bệnh nên không có việc làm. Sau đó, anh em chúng tôi bị kẹt lại Nha Trang không thể về quê. Giờ đành nhờ hai chị em bà Hưởng 2-3 tháng nay”.
 
Vâng, chỉ là một câu chuyện rất nhỏ thôi nhưng lại quá đỗi ấm áp giữa cuộc đời nhiều toan tính. Và hôm nay, khi dịch Covid lần thứ 2 bùng nổ tại nước ra, xin phép được nhắc lại hình ảnh này để thấy người Việt mình luôn hào sảng và tử tế như thế nào.

Bên cạnh những trường hợp buồn về trốn cách ly, vượt biên trái phép, trốn tránh khai báo y tế… thì vẫn còn đó những người sống đẹp, cao thượng và văn minh quá đỗi. Như việc làm của gia đình chị Hưởng, tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm để thực hiện.
 
Không chỉ nấu cơm mỗi ngày cho công nhân ăn uống, họ còn hào phóng đứng ra giúp tiền trọ rồi liên tục động viên anh em gắng gượng qua giai đoạn này. Trong suốt hành trình ‘cho đi’ ấy, họ luôn đứng ở vai trò là bạn – để thấu hiểu và sẻ chia.
 
Chứ không như một số kẻ khác, khi làm phước cho ai đó, luôn tỏ vẻ mình là bề trên rồi đi rêu rao khoe mẽ về hành động của mình. Còn người có tâm, bao giờ cũng âm thầm và sâu sắc, thậm chí họ chẳng giàu hơn ai nhưng nghĩa tình thì luôn dạt dào, đầy ắp. Nhất là khi cả nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, mới thấy câu nói ‘lá lành đùm lá rách’ ý nghĩa biết nhường nào.
 
Lại nói mới đây, khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, rất nhiều khách sạn cao cấp liền cho du khách ở miễn phí hoặc thuê trọ giá trẻ, thậm chí họ còn tự nấu ăn đem tặng hoặc bán suất cơm chỉ 25 ngàn.
 
 
(Ảnh: Zing.vn)
 
Trước đó nữa là tấm lòng của những cụ ông cụ bà gom tiền tới ủng hộ dịch Covid, dù là tiền lẻ, hay một vài chỉ vàng cũng đáng quý và ấm áp biết bao nhiêu. Rồi sắp tới đây, chúng ta sẽ triển khai ATM gạo, để những ai đang nhọc nhằn chuyện mưu sinh, sẽ vơi bớt phần nào.
 
Sau cùng, xin hãy tin rằng, mai đây tất cả sẽ lại bình yên, đất nước chữ S xinh đẹp lại rộn rã tiếng cười và những người tốt trong xã hội sẽ nhiều hơn nữa. Nên nhớ, trên đời có một chân lý giản đơn nhưng vô cùng đúng đắn: Cứ thoải mái cho đi, rồi sẽ được nhận lại!
 
(Nguồn tham khảo: Người Đưa Tin/ Zing.vn)