Ọc sữa là tình trạng thường gặp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân. Sau đây là các cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả mà mẹ có thể quan tâm.
 
Ọc sữa là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể do nguyên nhân bệnh lý hoặc do các thói quen khi bú thường ngày gây ra. Cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh thường khá đơn giản mà mẹ có thể thực hiện trừ những trường hợp do bệnh lý.
 
1. Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều có sao không?
 
Hiện tượng ọc sữa khá thường gặp và chủ yếu là do thói quen bú sữa sai cách. Chỉ cần điều chỉnh cữ bú cho bé là tình trạng này có thể thuyên giảm dần. Tuy nhiên nếu trẻ liên tục bị ọc sữa và dù cho đã thay đổi cách bú vẫn không thuyên giảm thì có thể do mắc các bệnh như:
 
- Hẹp phì đại môn vị. Khi mắc chứng này, trẻ thường không ọc sữa ngay sau khi bú. Sau khi ọc, trẻ sẽ bị đói và đòi bú lại ngay. Dịch ọc cũng không có màu vàng hay xanh. Khi gặp các tình trạng này, mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế ngay lập tức.


 
Hẹp phì đại môn vị gây ọc sữa ở trẻ (Ảnh: Internet)
 
- Lồng ruột. Tình trạng thường gặp ở các bé trai bụ bẫm dưới 24 tháng tuổi. Trong đó các bé ở độ tuổi từ 3 đến 6 tháng tuổi là dễ mắc phải nhất. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đột ngột nôn ói kèm theo khóc thét từng cơn dữ dội. Trẻ xanh tái, có thể đau bụng và đi ngoài nhày máu sau 6 giờ.
 
2. Cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh
 
Với những trường hợp bé bị ọc sữa không phải do bệnh lý, mẹ có thể áp dụng những phương pháp sau đây để làm thuyên giảm tình trạng này.
 
2.1. Chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ
 
Hệ tiêu hóa của trẻ rất non nớt và có dung tích nhỏ hơn rất nhiều so với người lớn. Do vậy, một trong những cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả là chia nhỏ khẩu phần ăn. Thay vì cho trẻ bú quá nhiều trong 1 lần, mẹ có thể chia thành nhiều lần và giảm bớt lượng sữa mỗi lần. Cách làm này có thể giúp bé tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn, tránh tình trạng ọc sữa do đầy bụng, không tiêu hóa được.
 
2.2. Không để trẻ vừa nằm vừa bú
 
Trong lúc bú mẹ, trẻ rất dễ nuốt hơi vào. Nếu nằm ngay sau khi bú hoặc vừa bú vừa nằm, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng ọc sữa.


 
Bú nằm làm tăng nguy cơ gây ọc sữa ở trẻ (Ảnh: Internet)
 
Chính vì vậy, sau khi cho bé ăn xong mẹ không nên cho bé nằm ngay và nên tìm cách giúp bé ợ hơi để giải thoát lượng khí thừa. Cách làm này còn giúp trẻ tránh bị đầy bụng, khó tiêu.
 
2.3. Cho bé bú đúng tư thế
 
Tư thế khi cho bé bú của mẹ cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ọc sữa. Nếu cho bé bú không đúng cách sẽ làm cho bé hút vào một lượng khí thừa đáng kể, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Ngoài ra nếu để bé nằm quá nghiêng, lượng sữa chảy ra nhiều hơn lượng sữa bé có thể nuốt mỗi lần khiến sữa trong dạ dày bị trào lên.
 
Để tránh tình trạng này, khi cho bé bú mẹ chỉ nên để bé bú từ từ. Nên để bé nghiêng vừa phải. Nếu bé bú bình mẹ nên giữ bình sữa nghiêng 45 độ, để sữa luôn ngập cổ bình sẽ hạn chế ọc sữa ở trẻ.
 
2.4. Không để trẻ ngửi mùi thuốc lá
 
Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn làm tăng tiết acid trong dạ dày dẫn đến tình trạng ọc sữa thường xuyên. Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của bé.


 
Khói thuốc lá có ảnh hưởng rất lớn với sức khỏe của trẻ (Ảnh: Internet)
 
Mỗi năm có hơn 60% trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Vì vậy mẹ nên hạn chế để bé không tiếp xúc với môi trường khói thuốc.
 
2.5. Để bé ngủ đúng tư thế
 
Ngủ đúng tư thế không chỉ giúp bé ngủ ngon hơn mà còn có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng trào ngược, ọc sữa. Tư thế đúng là để đầu của bé cao 1 góc 30 độ để giúp thực phẩm trong dạ dày không bị trào ngược trong khi bé đang ngủ.
 
2.6. Bổ sung canxi đúng cách
 
Nếu trẻ bị ọc sữa đi kèm với triệu chứng vặn mình và khó ngủ mỗi đêm thì có thể trẻ đang bị thiếu canxi. Nếu như gặp tình huống này, mẹ nên bổ sung canxi cho bé kịp thời. Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi cho trẻ bổ sung thêm canxi.
 
Vì nếu bổ sung canxi dư thừa hoặc không đúng cách còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ như táo bón, đau xương, vôi hóa thận.