Hiện, Đắk Lắk có hàng trăm trường hợp mắc Covid-19 trở về từ vùng dịch. Nhờ thực hiện nghiêm việc cách ly, khoanh vùng ổ dịch, nên các địa phương của Đắk Lắk đã cơ bản không chế thành công việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Chỉ riêng xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’ga đã có gần 1.000 người từ TP.HCM và Bình Dương trở về tránh dịch. Trong đó có đến 100 người đi bằng xe máy. Nhờ thực hiện tốt khâu khai báo y tế, cách ly tập trung, nên mặc dù tại xã Quảng Hiệp có 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không lây nhiễm ra cộng đồng.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết, địa phương có rất đông con em của bà con dân tộc thiểu số đi lao động ở các tỉnh phía nam. Họ thuộc diện hộ nghèo nên khi trở về trách dịch đều thiếu thốn mọi thứ. Chính quyền, đoàn thể đã vận động những gia đình có điều kiện ủng hộ, chia sẻ đảm bảo người cách ly đủ lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Ông Đức cho rằng, nhờ thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế giữa người với người, gia đình với gia đình mà dịch mới không lây lan ra cộng đồng.

“Trong quá trình cách ly, xã tổ chức thành lập mỗi thôn một tổ giám sát để giám sát trường hợp cách ly ở nhà. Qua kiểm tra, phát hiện những trường hợp gặp khó khăn, xã đã kịp thời vận động người dân, nhà hảo tâm tích cực tham gia cùng chính quyền, hỗ trợ gạo, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác đáp ứng sinh hoạt hàng ngày. Nếu các trường hợp hiện nay đang mắc kẹt tại vùng dịch mà có nguyện vọng về thì theo chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ đưa về. Đối với địa phương, khi các công dân về thì sẵn sàng đón nhận và sẽ có khu cách ly y tế, kịp thời hỗ trợ để bà con yên tâm trong khu cách ly”, ông Ngô Minh Đức nói.

Cách ly tốt, Đắk Lắk quyết tâm không để dịch Covid-19 bùng phát
Buôn Khóa, xã Cư Pui, huyện Krông Bông ngày đầu được dỡ bỏ phong tỏa.

Chúng tôi đến buôn Khóa, xã Cư Pui, huyện Krông Bông trong ngày đầu tiên được dỡ bỏ phong tỏa. Bà con người Ê Đê ở đây đã trở lại với những sinh hoạt thường ngày như ra đồng lấy nước cho lúa, chăm sóc vườn cà phê, cắt cỏ cho gia súc… Tuy nhiên, ai cũng đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Họ rất dè dặt khi tiếp xúc với người lạ bởi vừa trải qua những ngày nơm nớp lo âu. Ngày 23/7, có 2 trường hợp con em của buôn Khóa trở về từ Bình Dương mắc Covid-19. Từ 2 trường hợp này, 26 người ở buôn Khoá đã dương tính với SARS-CoV-2. Đó là chưa kể đến hàng chục F1 khác.

Chuyện trò với anh Y Nghị Mlo, dân tộc Ê Đê ở Buôn Khóa. Anh Y Nghị cho biết, đây là lần đầu tiên sau 21 ngày cách ly, anh ra vườn chăm sóc mấy con bò. Vợ và con bị dương tính với SARS-CoV-2, đã được đưa đi điều trị. Y Nghị là F1, nên 3 tuần liền ngồi yên trong nhà, 8 lần được cán bộ y tế đến lấy mẫu xét nghiệm nhưng may mắn đều âm tính.

“Trong quá trình cách ly, tôi rất cám ơn cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho tôi nhu yếu phẩm để tôi yên tâm cách ly tại nhà, không ra ngoài tiếp xúc tránh lây lan. Tôi rất yên tâm”, anh Y Nghị Mlo nói.

Cách ly tốt, Đắk Lắk quyết tâm không để dịch Covid-19 bùng phát
Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Cư Pui, huyện Krông Bông với cách làm hay là vẽ sơ đồ các hộ dân trong buôn Khóa để phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của xã đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ với quyết tâm chặn đứng, không để ổ dịch bùng phát. Đến ngày 17/8, tất cả các khu phong toả đều đã trở lại sinh hoạt bình thường.

Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ tịch UBMT xã Cư Pui cho rằng, yếu tố quyết định thành công trong việc ngăn chặn dịch lây ra cộng đồng đó là tuyệt đối tuân thủ thực hiện 5K. Trong đó việc “ai ở đâu ở yên đó” là khâu then chốt, phải được thực hiện một cách triệt để.

Để 178 hộ gia đình của buôn Khoá thực hiện nghiêm túc việc phong toả, cách ly, chính quyền đã vẽ sơ đồ từng hộ gia đình của toàn buôn với thực trạng số người F0, F1. Xã thành lập đội chống dịch với lực lượng y tế, công an, tự vệ túc trực tại trụ sở suốt ngày đêm. Họ nắm rõ biểu đồ, nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình trong khu phong toả để hướng dẫn, xử lý tình huống ngay từ gốc. Đặc biệt, lực lượng này đã vận chuyển, cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các gia đình trong khu phong tỏa.

“Trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên cũng như của cấp uỷ chính quyền địa phương đã thực tế, sát sao, đặc biệt là sát với người dân. Chúng tôi có tổ xung kích ở tại điểm bùng phát dịch, thường xuyên mắn bắt tâm tư nguyện vọng, đặc biệt là nhắc nhở bà con người nào ở yên nhà đó, không ra ngoài. Thiếu nhu cầu về lương thực, thực phẩm hay những thứ khác thì đều có các tổ xung kích phục vụ. Từ cơm ăn, nước uống, sinh hoạt hàng ngày, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn buôn đều nhiệt tình, trách nhiệm phục vụ”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Cách ly tốt, Đắk Lắk quyết tâm không để dịch Covid-19 bùng phát
Ngành y tế Đắk Lắk lấy mẫu bệnh phẩm người dân ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông để kiểm tra Covid -19 khi địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19.

Rải rác ở Krông Bông vẫn còn xuất hiện các ca F0, nhưng đây là những trường hợp trong khu cách ly. Từ đầu tháng 8 đến nay, Krông Bông không xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông khẳng định, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách nghiêm túc, quyết liệt, tạo ra sự đồng thuận, ý thức chấp hành triệt để của người dân thì vùng đỏ dịch bệnh sẽ được khống chế.

“Krông Bông là huyện đầu tiên khởi động 37 khu cách ly tập trung và gần 1.000 người được cách ly tập trung từ ngày 24/7 đến nay. Những ca lây lan chủ yếu là những người có dịch tễ về và đang cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện, nếu có phát sinh bệnh sẽ được đưa đi chữa trị ở tỉnh. Còn lại không có phát sinh lây lan trong cộng đồng, do đó dịch bệnh không lây lan. Hiện nay trên địa bàn huyện đã tạo thành những vùng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tập trung phát triển kinh tế, gắn với việc phòng, chống dịch trong thời gian tới”, ông Lê Văn Long cho hay./.