ttxvn-hoa-binh-1633963558.jpg
Mưa lớn gây sạt lở, giao thông trên tuyến đường QL6 địa bàn tỉnh Hòa Bình bị cản trở. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Trước tình hình mưa lũ những ngày tới còn phức tạp, ngày 11/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 464/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ.

Chủ động ứng phó

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, phổ biến 40-80mm, riêng Nam đồng bằng Bắc Bộ; các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 100mm.

Để chủ động ứng phó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; tránh chủ quan, bất cẩn gây thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra.

Các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn; chú ý sơ tán dân phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Các địa phương cần rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ đã đầy nước, hồ xung yếu, đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Tài liệu hướng dẫn đã được Ban Chỉ đạo xây dựng và đăng tải trên website:phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx.

Các đơn vị trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Đảm bảo an toàn đê điều

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trên khu vực ngoài khơi phía Đông Philippines đã xuất hiện cơn bão Kompasu, khoảng đêm 11 đến sáng 12/10, bão đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 8.

Đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê điều các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.

Bởi vậy, ngày 11/10, Tổng cục phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 1087/PCTT-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.

Để chủ động ứng phó với bão, Tổng cục phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra các tuyến đê biển, cửa sông, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu; gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ; rà soát các công trình đê điều đang thi công và có giải pháp đảm bảo an toàn.

Các địa phương nêu trên sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý, lưu ý có phương án ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.

Mưa lũ làm 2 người mất tích với nhiều thiệt hại tại các địa phương

Trong 2 ngày (10-11/10), mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 7 đã gây nhiều thiệt hại các địa phương.

Tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, 2 người bị cuốn trôi mất tích là cháu Thảo Anh Đức (sinh năm 2019, thôn Suối Giao, xã Xà Hồ) và anh Phàng A Pao (sinh năm 1993, thôn Păng Dê, xã Bản Mù).

Một nhà bị sạt ta luy ở xã Pá Hu, đường từ Suối Xuân lên UBND xã Tà Xi Láng bị sạt lở 9 điểm với khối lượng 25m3 đất, đá. Thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

ttxvn-lao-cai-1633963644.jpg
Mưa lớn gây sạt lở đất ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông tại đường tránh thị xã Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tại Lào Cai, sáng 11/10, mưa lớn cục bộ đã làm sạt lở 5.000m3 đất đá tại Km 50+300, tỉnh lộ 155 (cung đường tránh Quốc lộ 4D) qua phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa khiến giao thông tắc nghẽn.

Mưa lớn còn gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu của người dân ở các xã Thanh Bình, Mường Hoa, phường Hàm Rồng...

Một số công trình bị hư hỏng tại các điểm trường ở thị xã Sa Pa như Tiểu học Giàng Tra, Mầm non Hòa Sử Pán, Mầm non Nậm Cang, Nậm Lang A.

Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt do sạt lở đất và nước lũ dâng cao ở các suối, ngầm tràn. Mưa lớn cũng làm nước trên sông Hồng, đoạn qua thành phố Lào Cai dâng cao, làm ngập một số diện tích hoa màu trồng ven bờ.

Cùng ngày, tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn đã làm sạt lở tuyến đường QL6 tại km 3,5 địa phận phố Ngọc, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình gây ách tắc giao thông.

Mưa lớn ở huyện Đà Bắc đã làm hai hộ dân tại xóm Náy, xã Tân Pheo và một hộ dân xóm Bao, xã Giáp Đắt nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Tuyến đường tỉnh lộ 433 đoạn qua xã Tân Minh bị sạt lở mái ta luy dương, khối lượng đất đá tràn xuống lòng đường khoảng 50m3.

Tại huyện Cao Phong, có 8 điểm sạt lở trên tuyến đường 435b xã Bình Thanh đi xã Thung Nai.

Tại lý trình K0 + 300 tuyến đường Tây Tiến 435, thuộc tổ 8, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình), đất đá trên đồi bị sạt lở xuống đường...

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 2 người bị lũ cuốn trôi, đồng thời hỗ trợ, động viên, thăm hỏi gia đình bị thiệt hại, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão Kompasu vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm như bão chồng bão, lũ chồng lũ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và cơn bão Kompasu; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền.

Các địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản; tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch COVID-19; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra./.