Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các tôn giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch thể hiện rõ tinh thần “hộ quốc an dân”.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có gần 27 triệu đồng bào có đạo trên cả nước. Hầu hết các tôn giáo đều có tín đồ, chức sắc, nhà tu hành bị nhiễm SARS- CoV-2 và không ít người đã tử vong vì dịch bệnh. Các hoạt động tôn giáo cũng bị xáo trộn, thay đổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của các tín đồ.

Các tín đồ tôn giáo sẵn sàng cởi áo tu hành, khoác áo blouse

Cùng với các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hộ quốc an dân, các tôn giáo một lần nữa lại thể hiện trách nhiệm của mình giống như những năm tháng chiến tranh. Chung tay đẩy lùi COVID-19, các tôn giáo có nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

Tín đồ Phật giáo, Công giáo, Tin lành…. sẵn sàng đi vào tâm dịch

“Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch” là một phong trào do Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng, phát động. Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, tăng ni, phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước liên tục có đơn đăng ký xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 22/7/2021, gần 200 linh mục, tu sĩ của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến để chung tay góp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân. Tất cả các tình nguyện viên đều đã trải qua khóa học tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế trong môi trường có bệnh nhân mắc COVID-19; đã được tiêm vaccine và có kết quả âm tính xét nghiệm RT- PCR trước khi lên đường.

Các tín đồ tôn giáo sẵn sàng cởi áo tu hành, khoác áo blouse
Các tình nguyện viên Phật giáo xuất quân lên tuyến đầu chống dịch.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã 2 lần tổ chức Lễ xuất quân cho các vị tăng ni, phật tử cùng chức sắc, tu sĩ Công giáo, Tin Lành đăng ký là tình nguyện viên xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10 (45 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 (40 người),…

Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, ngày lo đủ 3 bữa trở thành một gánh nặng không nhỏ với nhiều người lao động. “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch” – một chương trình thiết thực và hiệu quả do Giáo hội Phật giáo Việt Nam khởi động. Mỗi ngày các chùa công đức tới các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tại TP.HCM hàng chục nghìn xuất cơm (chùa Vĩnh Nghiêm mỗi ngày phục vụ từ 10.000 đến 20.000 suất; chùa Tường Nguyên mỗi ngày hơn 20.000,…)

Các tín đồ tôn giáo sẵn sàng cởi áo tu hành, khoác áo blouse
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện quận 11. Ảnh: MTTQ Việt Nam

Chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly

Nhằm góp phần làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị COVID-19, nhiều chùa, tự viện như: Việt Nam Phật Quốc Tự, chùa Phổ Quang ở TP.HCM; Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại Bình Dương; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; chùa Keo tại tỉnh Thái Bình,… đã phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân” tích cực đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly.

Các chùa, cơ sở tự viện cũng đăng ký nhận tro cốt và tổ chức cầu siêu cho người tử vong vì dịch COVID-19. Trong bối cảnh đại dịch phức tạp, tâm lý xáo trộn, đây là sự hỗ trợ, đồng hành lớn về mặt tâm linh cho rất nhiều hộ gia đình.

Ngoài ra không thể không kể đến sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Các tín đồ tôn giáo sẵn sàng cởi áo tu hành, khoác áo blouse
Chùa Ích Minh (thôn Đồng Ích, xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) – Cơ sở tôn giáo đầu tiên tình nguyện làm địa điểm cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19

Lây lan dịch bệnh vì hành đạo: Bài học đắt giá

Thực tế, gần 60% số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc năm 2020 có liên quan đến bệnh nhân là tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa. Đầu năm 2021 Lễ hội tôn giáo tại thành phố Kumbh Mela đã thu hút hàng triệu người theo đạo Hindu hành hương với “niềm tin vào thần linh sẽ chiến thắng nỗi sợ virus”. Chuyến hành hương đã đẩy Ấn Độ đến khủng hoảng trầm trọng bởi dịch COVID-19, số ca nhiễm bệnh tăng 1.800% trong 25 ngày tại bang Kumbh.

Tại Việt Nam, hầu hết các tôn giáo đều có tín đồ bị nhiễm SARS –CoV-2 và không ít người đã tử vong vì COVID-19. Trường hợp sinh hoạt tôn giáo tập trung của “Hội thánh truyền giáo Phục hưng” tại TP.HCM đã lây nhiễm cho 653 F0 ở 21/22 quận, huyện của TP.HCM và khiến 15 tỉnh, thành phố khác bị ảnh hưởng. Tại Viện Thánh kinh Thần học thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) có 301 ca mắc COVID-19; Dòng Đa minh Phú Cường có 61 tu sĩ bị lây nhiễm, Hồi giáo tỉnh Tây Ninh cũng có 29 người mắc COVID-19.

Đây là bài học đau lòng nhưng đắt giá cho việc chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

“Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch. Chúng ta cần sự quyết tâm hành động của toàn xã hội. Chỉ khi ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo được nâng cao trong việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch thì dịch bệnh mới được đẩy lùi, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc, tín đồ và đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh.” – Tiến sỹ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định.

Các tín đồ tôn giáo sẵn sàng cởi áo tu hành, khoác áo blouse
Cơ quan chức năng phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm liên quan nơi sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TP.HCM.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường phòng, chống lây lan dịch. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng có nhiều văn bản gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: Tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tôn giáo tập trung; với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm, cần phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định,… phát huy tinh thần bác ái của các tôn giáo, đồng hành với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch và vận động đóng góp, ủng hộ “Quỹ vaccine phòng COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ, (gần 27% dân số cả nước), các tôn giáo Việt Nam đã có những đóng góp to lớn với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Chính vào thời điểm đất nước lâm vào khó khăn, các tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần “hộ quốc dân an”, góp phần tạo nên khối đại đoàn không thể tách rời của dân tộc, tạo ra sức mạnh toàn dân, cùng đất nước đi qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh /.