Bất cứ một hiện tượng, một nghi lễ tín ngưỡng nào tồn tại và được người dân duy trì thực hành đều không phải là sự ngẫu nhiên, mà nó luôn hàm chứa ý nghĩa và giá trị đích thực của chúng. Lễ hội Bươn Xao của người Thái Tiên Kỳ cũng không phải là một nghi lễ ngoại lệ. Theo đó, lễ hội Bươn Xao có một số giá trị:
 
Phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan tộc người
 
Trong vũ trụ luận của người Thái, thế giới chia thành 3 tầng theo một trục dọc. Trên cùng là Mường Phạ (mường trời hay còn gọi là Mường Bôn - mường ở trên đỉnh đầu). Ở giữa là Mường Lụm (mường người hay còn gọi là Mường Đin - tức mường đất hoặc còn có tên gọi khác là Mường Piêng - tức mường bằng phẳng). Dưới cùng, trong lòng đất là Mường Boọc đai (mường của những người tí hon).
 
Trong tiếng Thái, Phạ có nghĩa là Trời và Mường Phạ được hiểu là Mường của Trời. Như vậy, khái niệm Mường Phạ là nhằm để chỉ một thế giới ở trên trời do nhiều Then cai quản, trong đó Then Luông là vị Then cao nhất. Vì thế, người ta còn gọi Mường Phạ là Mường Then.
 
Trong quan niệm hữu thức của người Thái, Mường Phạ là nơi cao nhất của vũ trụ được hình dung như một khoảng rộng màu xanh, hình tròn úp lên mặt đất. Còn đất là một mặt bằng rộng vô hạn mà trời chỉ úp lên được một phần nào đó mà thôi. Bằng chứng là, trong kho tàng chuyện kể dân gian của người Thái ở Nghệ An thường được mở đầu bằng những câu “xí chành phạ, hà chành đin”, nghĩa là mặt đất thì có 5 góc, còn vòm trời thì chỉ có 4 góc. Không gian Mường Phạ lại được phân ra thành nhiều tầng theo một trật tự cao thấp khác nhau. Nơi tận cùng cao nhất là thế giới hỗn mang - thế giới của những người ăn sương gió - sống lang thang.

Tuy nhiên, người Thái ở Nghệ An lại không cắt nghĩa được một cách rõ ràng về những người ăn sương gió, sống lang thang là ai. Mặc dù vậy, hầu hết những thầy mo được hỏi đều cho rằng, có lẽ đó là những người cao lớn gấp người trần nhiều lần. Theo cách giải thích của họ, nơi tận cùng cao nhất của vũ trụ hầu như không có ánh sáng, dù chỉ là một chút. Vì thế, mới có câu “noọc phạ ca lông”, nghĩa là, vượt ra ngoài vòm trời, con Quạ sẽ bay lạc hướng. Cần phải nói thêm là, đối với người Thái, không có ánh sáng cũng tức là đồng nghĩa với không có sự sống. Sự sống ở đây được hiểu là cuộc sống của những con người bình thường. Vì thế, tầng trên cùng chỉ có thể là thế giới hỗn mang của riêng các thế lực siêu nhiên, khác hẳn với cuộc sống của con người - thế giới mà theo họ là chưa định hình, không rõ ràng và rất ít, thậm chí không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con người.
 
Xuống phía dưới, thấp hơn, ngay sát nơi vòm trời (coòng loọng phạ) là thế giới của các dòng họ Thái. Tổ tiên các dòng họ Thái này ngụ ở một cõi riêng gọi là Đẳm chào, Đẳm pang, được chia ra thành các khu riêng của từng dòng họ theo địa vị xã hội cao thấp khác nhau. Cụ thể là tổ tiên của các dòng họ thuộc tầng lớp quý tộc như Lo Căm, Hủn Vi, Quản Vi, Lang Vi và Mứn Vi khi chết được đưa về đẳm cuông nưa (đẳm ở trong, bậc trên); còn tổ tiên của các dòng họ thuộc tầng lớp bình dân như các họ: Quang, Lương, Hà…khi chết được đưa về đẳm cuông cang (đẳm ở trong, bậc giữa).
 
Trong các câu truyện về nguồn gốc của lễ Bươn Xao đã trình bày ở trên ta thấy, tuy không miêu tả cụ thể khung cảnh phồn thịnh, hoành tráng của nhà Then, song Nang Đoi/Nang Ve Căm là con của Trời (Then) được người Thái luôn tôn sùng và kính nể, nên khi nàng chết, họ phải lên trời chịu tang đến cả tuần.
 
 
Lễ rước tại Lễ hội Bươn Xao
 
Giá trị cố kết cộng đồng
 
Như trên đã đề cập, lễ Bươn Xao diễn ra ở phạm vi dòng họ và phạm vi bản, do đó tính cộng đồng của nghi lễ này thể hiện khá rõ. Ở phạm vi dòng họ, bên cạnh truyền thống uống nước, nhớ nguồn, trước hết là đối với các bậc tổ tiên, sau đó là những người có công lập bản, dựng mường, các đấng siêu nhiên như ma rừng, ma đất, ma sông suối...của cư dân nông nghiệp trồng trọt. Lễ Bươn Xao cũng là dịp nhắc nhở con cháu trong dòng họ đề cao tinh thần đoàn kết, cố kết và có trách nhiệm với cộng đồng. Ở phạm vi bản, lễ Bươn Xao còn là dịp sinh hoạt tâm linh mang tính cộng đồng, tập thể của người dân, sau thời gian lao động, sản xuất. Từ đó tạo cho con người sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng đồng cam cộng khổ để vượt qua hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống.
 
Giá trị giáo dục
 
Cho dù ở phạm vi cấp bản hay phạm vi dòng họ, thì lễ Bươn Xao là dịp nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, thần thánh để cầu mong mọi lực lượng siêu nhiên che chở, phù hộ. Việc tổ chức lễ Bươn Xao nhằm thể hiện lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc… Do vậy, nghi lễ này có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử của làng bản, quê hương, đất nước.
 
 
Chuẩn bị mâm cúng cho Lễ hội Bươn Xao 
 
Giá trị văn hóa tâm linh
 
Trong quá trình tồn tại và phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống tự túc, tự cấp, người Thái nói chung, nhóm Tày Mường nói riêng không chỉ lao động sản xuất, tạo ra của cải để nuôi sống mình, mà họ còn sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa, hòa mình vào với thế giới tâm linh. Ngoài các lực lượng siêu nhiên, các vị thần linh như ma trời, ma đất, ma núi, ma sông suối, người ta còn phải cầu mong, nhờ tới sự che chở của các bậc tổ tiên, dòng tộc... để có sức khỏe, người yên, vật thịnh. Thông qua lễ Bươn Xao, người dân cư có dịp thỏa mãn đời sống tâm linh, được thụ hưởng những giây phút thiêng liêng, giao cảm, hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng.
 
 
Thầy mo trong Lễ hội Bươn Xao
 
Giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người
 
Lễ Bươn Xao là một hình thức tái hiện quá khứ, thông qua các hoạt động thờ cúng, các loại  hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ như đánh cồng chiêng, múa, hát và cả trò chơi dân gian của trẻ em… Các hoạt động ấy không những tái hiện cuộc sống mà còn góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì thế, hình thức, nội dung của lễ này phản ánh đầy đủ, sinh động đời sống vật chất và tinh thần của một nhóm Thái trước kia cũng như hiện nay, có sức lan tỏa và đã tác động mạnh mẽ tới toàn thể cộng đồng Thái ở miền Tây Nghệ An.
 
Từ các dị bản của câu truyện về nguồn gốc, cũng như thời gian tiến hành, lễ vật danag cúng của nghi lễ này ta thấy, sự tương đồng và nét khác biệt của các yếu tố văn hóa của một nhóm tộc người giữa địa phương này với địa phương khác ở hai vùng người Thái khu vực đường 48 và khu vực đường 7.

 
Dệt thổ cẩm - Một trong những nghề truyền thống của người Thái ở Tiên Kỳ, Tân Kỳ
 
Với đặc điểm của nghi lễ Bươn Xao là do tự người dân của các dòng họ trong các bản làng thực hành, nên ngoài tinh thần dân chủ, lễ này còn phản ánh tính nguyên bản của những yếu tố văn hóa truyền thống của nhóm tộc người. Và như vậy, nghi lễ hội góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống tộc người một cách hiệu quả nhất ngay trong chính địa bàn cơ sở của cộng đồng./.