po-1691653220.jpg
Nhà máy xử lý nước thải TX.Cửa Lò, Nghệ An đến nay vẫn chưa thể bàn giao cho chính quyền địa phương vận hành, quản lý

Theo đó, vào cuối tháng 7/2023, chúng tôi có mặt và ghi nhận hệ thống máy móc phía bên trong nhà máy không hoạt động. Một người nhân viên có tên là Đức thừa nhận: “Khoảng hai mươi ngày nay, nhà máy không hoạt động. Nguyên do là đang sửa chữa đường điện đi vào nhà máy và phía thị xã cũng đang bảo dưỡng hệ thống đường ống.”

Cũng theo lời anh Đức, nhà máy hoàn thiện và đi vào xử lý từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chỉ là vận hành thử nghiệm chứ chưa đưa vào vận hành chính thức. Lý do là đến thời điểm hiện tại, nhà máy vẫn chưa được ban giao cho địa phương mà vẫn do phía công ty quản lý, vận hành.

“Dự án được thực hiện theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình) nhưng đến nay vẫn chưa xác định được vị trí đất để trả cho nhà đầu tư. Theo quy định mới của Nhà nước thì đã dừng áp dụng loại hợp đồng BT. Mấy năm nay, công ty đều bỏ tiền túi ra để vận hành thử nghiệm chứ TX Cửa Lò cũng chưa trả được đồng nào”, anh Đức cho biết.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Hoàng Năng Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND TX Cửa Lò. Ông Hiệp cho biết: “Hiện nay, nhà đầu tư đang vận hành nhà máy, khi nào thanh toán hết tiền thì doanh nghiệp mới bàn giao thành tài sản của thị xã. Còn thị xã chỉ quản lý về đường ống, trạm bơm. Mùa hè, hệ thống ống của thị xã bơm nước về thì nhà máy vẫn xử lý bình thường. Nhưng nhà máy không phải hoạt động cả 365 ngày trong năm, có những ngày nhà máy không hoạt động”.

r-1691653251.jpg
Nhà máy xử lý nước thải ở T.X Cửa Lò lâu nay hoạt động theo kiểu cầm chừng

“Nhà máy có công suất xử lý 1 ngày lên đến gần 4000 khối nước, nhưng lượng khách ở Cửa Lò thì không phải lúc nào cũng thường xuyên. Tùy theo lưu lượng khách, mà có khi xử lý thường xuyên, có khi lại không. Khách ít, cơ sở kinh doanh không hoạt động, thì phải bơm về nhà máy một vài ngày rồi mới xử lý. Ngoài ra, do không xử lý thường xuyên, rác bị đọng, lắng lại nên đường ống hay có các điểm tắc, phải bảo dưỡng khắc phục thường xuyên”, ông Hiệp nói.

Còn ông Doãn Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án xây dựng TX Cửa Lò thì cho biết, dự án Nhà máy xử lý nước thải TX Cửa Lò hoàn thành vào khoảng cuối năm 2017, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa trả được đồng nào cho nhà đầu tư“.

Dự án được đầu tư theo hình thức BT, nhưng sau đó hình thức đầu tư này bị Chính phủ “phanh” lại. Sau đó thị xã đã báo cáo tỉnh để xin cơ chế trả tiền cho doanh nghiệp. Hiện nhà đầu tư đã làm hồ sơ, trình sở tài chính thẩm định, quyết toán”, ông Lâm nói.

Qua tìm hiểu được biết, dự án xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải trên địa bàn TX Cửa Lò được triển khai xây dựng từ năm 2003 với 2 hạng mục chính, bao gồm: Trạm xử lý nước thải và hệ thống thoát nước thải.

Mục đích của dự án là góp phần giải quyết một khối lượng lớn nước thải từ các nhà hàng, khách sạn và khu dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường cho khu du lịch Cửa Lò và môi trường biển.

Trong đó, riêng trạm xử lý nước thải được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao) giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ, với tổng mức đầu tư hơn 59,4 tỷ đồng. Công trình do Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (ở TP Hà Nội) đầu tư. Cuối năm 2013, trạm xử lý xây dựng theo công nghệ hiện đại đã hoàn thành phần xây lắp, đến năm 2017 thì hoàn thiện phần lắp đặt thiết bị.

Thiết nghĩ, việc xây dựng các dự án xử lý rác và nước thải là một chủ trương hợp lý, đúng đắn. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xong mà để “đắp chiếu” hoặc hoạt động một cách cầm chừng sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước mà còn tạo ra sự bức xúc trong dư luận, quần chúng nhân dân địa phương!