Thí sinh vùng dịch phải có xét nghiệm âm tính
Tại TP.HCM - điểm “nóng” dịch Covid-19, tính đến hết ngày 3/7, khoảng 120.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh đã được xét nghiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM, trường hợp thí sinh không tham gia lấy mẫu xét nghiệm do Sở bố trí, có thể tự xét nghiệm tại các bệnh viện, cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép.
Tất cả giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, tính từ ngày 3/7 cũng sẽ được điểm thi chấp nhận. Dự kiến các kết quả xét nghiệm sẽ được trả vào ngày 4 - 5/7.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, cả nước có 33 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT mắc Covid-19; thí sinh thuộc diện F1 là 270 em và 847 thí sinh trên cả nước thuộc diện F2. Ngoài ra, cả nước có 17.178 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đang ở trong khu vực phong tỏa.
“Những thí sinh không thực hiện xét nghiệm Covid-19 xem như không tham dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Hiện nay, phụ huynh và thí sinh có quyền lựa chọn thi đợt 1 hay 2.
Nhưng thi đợt 2 ngày nào thì chưa có lịch, học sinh chờ đợi có thể sẽ thêm khó khăn. Nếu thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 1 thì nên thi.
Hiện tất cả các biện pháp chống dịch được chúng tôi thực hiện tốt nhất với quan điểm đảm bảo an toàn tối đa cho kỳ thi”, ông Hiếu cho biết.
Cũng trong những ngày qua, lực lượng Y tế tại Phú Yên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 12.000 thí sinh, cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên.
Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT tỉnh này đã quyết định phương án toàn bộ thí sinh ở 21 huyện, thành, thị trong tỉnh sẽ đồng loạt thi vào đợt 1 trong hai ngày 7 và 8/7.
Các thí sinh ở vùng phong tỏa, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 như tại TP Vinh vẫn thi bình thường theo thời gian trên. Tuy nhiên, thí sinh là F1 sẽ phải thi vào đợt 2 để thực hiện đúng quy định về phòng dịch Covid-19.
Ngoài ra, nhiều trường cũng sẽ tiến hành test nhanh SARS-CoV-2 cho các giám thị và các lực lượng làm công tác thi. Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm test nhanh sẽ hoàn thành trước ngày 6/7.
Tại Bắc Giang, nơi vừa trải qua thời kỳ dịch bệnh hoành hành, theo ông Bạch Đăng Khoa, PGĐ Sở GD&ĐT Bắc Giang, cả tỉnh còn 3 thí sinh mắc Covid-19 và 66 em diện F1 mà đến ngày kỳ thi đợt 1 diễn ra vẫn chưa đủ điều kiện dự thi. Số liệu thí sinh tiếp tục biến động vì dịch, chính vì vậy, tất cả điểm thi trên toàn tỉnh luôn đặt trong tình huống sẵn sàng tiếp nhận thí sinh nếu số lượng tăng.
Ngoài 37 điểm thi chính thức, Bắc Giang bố trí thêm 37 điểm thi dự phòng tương tự điểm thi chính thức ở số phòng thi, phòng cách ly, phòng dự phòng và các điều kiện về cơ sở vật chất khác. Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng huy động 3.750 cán bộ làm thi, cao hơn nhu cầu thực tế 1,8 lần để sẵn sàng cho các tình huống phát sinh.
Sẵn sàng phương án dự phòng
Để đảm bảo công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương cần rà soát, phân loại chính xác các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch để bảo đảm an toàn cho kỳ thi; tổ chức tập huấn kỹ, bảo đảm tất cả thành viên làm nhiệm vụ tại điểm thi đều nắm vững quy chế thi, đặc biệt là những điểm mới của kỳ thi, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất để ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh và tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi; bố trí cán bộ coi thi dự phòng để sẵn sàng thay thế khi cần thiết.
Thí sinh thi đợt 1 và 2 có cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng ngang nhau. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách giữa 2 đợt thi quá xa, Bộ GD&ĐT sẽ có các chỉ đạo và hướng dẫn tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng chống dịch nhưng vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là nhất quán trong chủ trương xét tuyển chung, đảm bảo công bằng quyền lợi cho thí sinh trong cả 2 đợt thi. PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT
Ban tổ chức kỳ thi các địa phuơng lên phương án phối hợp cụ thể với ngành y tế cho những trường hợp thí sinh được phát hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19 hay có triệu chứng bất thường về hô hấp.
Theo đó, nếu xác định thí sinh dương tính với Covid-19 thì phải điều tra đủ các bước như đối với một ca F0 (trích xuất camera, điều tra dịch tễ…).
Nếu ca nghi ngờ ngay trong khuôn viên trường thi thì đưa ngay vào phòng thi riêng…
Đồng thời, các đơn vị cần rà soát, chuẩn bị đầy đủ phòng thi, phòng chờ, phòng dự phòng, phòng cách ly và niêm phong các phòng không sử dụng; tổ chức thanh tra đủ các khâu, bảo đảm kỳ thi được tổ chức rõ quy trình, đúng quy chế, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM nhắn nhủ đến các thí sinh trên địa bàn: “Các em có thể mang theo kính chắn giọt bắn khi tham gia kỳ thi còn việc mặc trang phục bảo hộ khi đi thi là không cần thiết, bởi trong điều kiện thời tiết nóng nực có thể ảnh hưởng sức khỏe”.
“Các em cũng nên hạn chế tiếp xúc, di chuyển để đảm bảo an toàn cho tới ngày thi. Phụ huynh nhắc nhở thí sinh khai báo y tế trước khi đến điểm thi, hỗ trợ, động viên các em, giám sát việc học hành, ăn uống, nghỉ ngơi để các em đảm bảo có sức khỏe tốt nhất chuẩn bị cho kỳ thi”, ông Hiếu chia sẻ.