Nghị quyết ít, tính khả thi cao
Quế Phong là huyện biên giới miền núi phía Tây Nghệ An, cách TP Vinh khoảng 160km và là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Thời gian qua, cùng với tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quế Phong đã có nhiều đổi mới trong xây dựng, ban hành nghị quyết theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2023, Huyện ủy Quế Phong đã ban hành 6 nghị quyết lãnh đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trên địa bàn. Các đồng chí lãnh đạo huyện Quế Phong nêu thực tế, việc ban hành nghị quyết không còn tràn lan, dàn trải như trước. Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lựa chọn những vấn đề mới, khó để đưa ra thảo luận cho ý kiến, trên cơ sở đó sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo thực hiện.
- Cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cần sớm xử lý vụ c.h/ặt phá 150 gốc chanh trồng được 5 năm của người dân?
- Tạo tín chỉ carbon trên lúa, nông dân Nghệ An có thêm 1,6 triệu USD thu nhập
- Vụ Hoài nghi về vật liệu gạch xây ở dự án gần 17 tỷ do liên danh INDECO và Đại Việt thi công: Chủ đầu tư UBND phường Trường Thi (TP.Vinh-Nghệ An) vào cuộc chưa nhỉ?
Đối với các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nghị quyết có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ được nghiên cứu, chắt lọc các nội dung phù hợp với huyện, sau đó sẽ ban hành các kế hoạch, hướng dẫn để triển khai, tránh tình trạng nghị quyết mẹ “đẻ” nghị quyết con.
Một trong những đột phá của huyện là trước khi ban hành nghị quyết, hoặc các chương trình, đề án trên địa bàn huyện, nhất là các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo huyện đã mời các chuyên gia từ tỉnh, Trung ương về tại huyện để nghiên cứu tiềm năng, lợi thế, khó khăn, từ đó tham vấn đúng, trúng các vấn đề trọng tâm. Đồng chí Trương Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong nêu quan điểm: Để ban hành nghị quyết sát đúng với tình hình địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho từng ngành tham mưu trực tiếp, kết hợp với khảo sát tình hình cơ sở, xác định nội dung, lượng hóa các mục tiêu, chỉ tiêu và nguồn lực thực hiện.
Cũng như huyện Quế Phong, các đồng chí lãnh đạo thị xã Hoàng Mai xác định, đổi mới trong khâu xây dựng, ban hành và vận hành nghị quyết; bảo đảm nghị quyết khả thi trong thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đồng chí Lê Trường Giang, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai chia sẻ: Từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2023, Thị ủy Hoàng Mai ban hành 6 nghị quyết, còn lại hầu hết là ban hành các chỉ thị, đề án, kế hoạch để cắt giảm các khâu trung gian và thuận cho việc triển khai thực hiện. Trong đó, những vấn đề mới, vấn đề khó cần dồn sức lãnh đạo, Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề.
Với huyện Quỳnh Lưu lại có cách làm riêng trong xây dựng, ban hành các nghị quyết theo hướng bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Hồ Văn Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục và phát triển đô thị. Trên cơ sở 4 nhiệm vụ trọng tâm này, huyện xây dựng nghị quyết xuyên suốt theo hệ thống và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, bảo đảm khi triển khai nghị quyết sẽ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.
Nhiều nguồn lực thực hiện nghị quyết
Quá trình khảo sát thực tế tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An, chúng tôi được lãnh đạo các huyện, thị xã chia sẻ nhiều cách làm hay trong việc vận hành, triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống. Theo lãnh đạo huyện Quế Phong, khó khăn lớn nhất đối với huyện miền núi vẫn là nguồn lực thực hiện nghị quyết, cả về nhân lực và kinh phí. Để các nghị quyết triển khai, vận hành tốt trong thực tiễn thì không có cách nào khác là phải phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn huyện. Trong đó, huyện Quế Phong có nhiều đột phá trong công tác cán bộ, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn con người. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp huyện có 15/87 đồng chí có trình độ thạc sĩ và 71/87 có trình độ đại học.
Đồng chí Nguyễn Thị Hiệp, Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong bộc bạch: Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, từ cấp ủy huyện đến cơ sở là nhân tố quyết định đưa nghị quyết vào cuộc sống. Quá trình thực hiện nghị quyết, vấn đề bám sát cơ sở, bám nắm địa bàn, đối thoại với nhân dân được lãnh đạo Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt.
Huyện ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm đầu mối triển khai nghị quyết đến cơ sở. Đối với cán bộ cơ sở, Huyện ủy có chủ trương bố trí các đồng chí cán bộ không chuyên trách cấp xã, là những đảng viên trẻ, có năng lực, có trình độ, nhiệt huyết đảm nhiệm bí thư chi bộ ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa khó khăn.
Bằng những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy các cấp, nhiều nghị quyết của Đảng bộ huyện Quế Phong được ban hành từ đầu nhiệm kỳ và triển khai rất hiệu quả. Ví như nghị quyết về xây dựng mô hình xã biên giới sạch ma túy ban hành từ năm 2022 nhưng đến cuối năm 2023, huyện Quế Phong cơ bản đã thực hiện thành công nghị quyết.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo huyện rất mạnh dạn tìm kiếm, huy động các nguồn lực bên ngoài để thực hiện nghị quyết. Nhờ tinh thần hành động vì dân của các đồng chí lãnh đạo huyện, năm 2023, Quế Phong là một trong những huyện nghèo làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Ngoài ra, ngành du lịch có rất nhiều khởi sắc nhờ lãnh đạo huyện tích cực vận động, thiết kế thêm các nguồn lực đầu tư bên ngoài để kêu gọi thêm các nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, du lịch...
Đối với thị xã Hoàng Mai, để các nghị quyết vận hành hiệu quả trong thực tiễn và có sản phẩm cụ thể, làm minh chứng trước nhân dân, lãnh đạo thị xã đẩy mạnh giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm cho cấp ủy tổ chức đảng cấp dưới và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngay từ đầu năm, cán bộ chủ chốt các xã, phường sẽ đăng ký với Ban Thường vụ Thị ủy những việc khó trên địa bàn cần tập trung giải quyết.
Sau khi Ban Thường vụ Thị ủy, Thường trực UBND thị xã họp cho ý kiến sẽ giao nhiệm vụ, "khoán" việc trở lại cho các đảng ủy, bí thư, chủ tịch UBND xã, phường. Nếu như trong năm, các phần việc đã đăng ký thực hiện, hay những việc được giao, khoán mà làm không hết, giải quyết không tốt thì cấp ủy tổ chức đảng và người đứng đầu sẽ bị hạ bậc xếp loại, đánh giá nhận xét cuối năm. Qua đây cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
Từ sự chỉ đạo của lãnh đạo thị xã, giao việc khó, khoán chỉ tiêu được Ban Thường vụ Đảng ủy các xã, phường ở Hoàng Mai chú trọng vận dụng, triển khai trên thực tế. Đồng chí Lê Đăng Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) cho biết, từng Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã được phân theo dõi, phụ trách thôn, xóm, cùng “xắn tay” vào việc để giúp cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng chứ không phải khoán trắng cho cấp ủy, chi bộ.
Ví như trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng đang là phần việc khó của cấp ủy, chi bộ các thôn, xóm nên Đảng ủy xã “khoán chỉ tiêu” cho đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã (phụ trách địa bàn) và cấp ủy, chi bộ từng thôn, xóm cùng đề cao trách nhiệm tìm giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng phần việc này. Nếu chi bộ thôn, xóm không đạt chỉ tiêu thì tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy xã...
Còn tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, nhờ khéo huy động sức dân, năm 2021, Quỳnh Đôi trở thành xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Không dừng lại ở đây, để nâng cao mức độ thụ hưởng của nhân dân, năm 2022, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, quyết tâm xây dựng Quỳnh Đôi trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu sớm nhất xứ Nghệ. Hơn 10 năm nay, xã không thu bất cứ khoản đóng góp nào của nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi mà chủ yếu từ nguồn xã hội hóa và ngân sách địa phương.
Như vậy, ngoài việc xây dựng, ban hành nghị quyết vừa tinh, gọn, đúng, trúng, việc bảo đảm nguồn lực để thực hiện nghị quyết là phần việc quan trọng và được lãnh đạo các địa phương ở tỉnh Nghệ An hết sức quan tâm. Thực tiễn cho thấy, trong số những nguồn lực hiện có, ngoài tiềm năng, thế mạnh, ngân sách bảo đảm thì các địa phương đã phát huy tốt nguồn lực rất quan trọng khác, đó là nguồn lực con người, hay nói cách khác là đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Nhân dân đồng thuận, nhân dân hiểu rõ và nhân dân chấp hành sự lãnh đạo của Đảng thông qua chấp hành các nghị quyết, từ cơ sở, là mấu chốt để xã hội phát triển.