Cử tri và nhân dân đang mong đợi những quyết sách mới
Trong phiên thảo luận ở tổ tại Quốc hội ngày 21/10 về định hướng phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Cử tri và nhân dân đang mong đợi những quyết sách mới, trong đó quan trọng nhất là chuyển hướng phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
“Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và một số đại biểu cho rằng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế, phối hợp với các Bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vaccine rất khan hiếm. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này được đánh giá là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta.
Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc, việc thu phí xét nghiệm còn cao… Đặc biệt, nguồn máy móc, thuốc điều trị, vật tư giai đoạn đầu dịch khan hiếm làm giá tăng cao; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm nên chỉ chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước. Từ những phân tích trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên để có giải pháp khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Việt Nam có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn; triển vọng phục hồi kinh tế trong nước được dự báo tương đối tích cực, tuy nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro như: Giá cả hàng hóa gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước..., đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát vào một số trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các phương án phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Ghi nhận 3.618 ca F0, 1.541 bệnh nhân khỏi bệnh
Theo Bộ Y tế, ngày 20/10 cả nước ghi nhận 3.636 ca mắc mới, trong đó 18 ca nhập cảnh và 3.618 ca được ghi nhận trong nước (giảm 17 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố; có 1.649 ca trong cộng đồng. Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Thành phố Hồ Chí Minh (giảm 92 ca), Đắk Lắk (giảm 77 ca), Gia Lai (giảm 50 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Tây Ninh (tăng 133 ca), Đồng Nai (tăng 85 ca), Cà Mau (tăng 34 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.373 ca/ngày. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) có 872.811 ca mắc mới được ghi nhận trong nước, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 21/10 có 1.541 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 798.124.
Cũng trong ngày cũng ghi nhận 71 ca tử vong - tại Thành phố Hồ Chí Minh (41 ca), Bình Dương (12 ca), Long An (5 ca), An Giang (4 ca), Sóc Trăng (3 ca), Ninh Thuận, Đồng Nai (mỗi địa phương 2 ca), Quảng Ngãi, Hà Nội (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 77 ca/ngày.
Nhiều địa phương siết chặt chống dịch COVID-19
Sở Y tế Nam Định cho biết, địa phương này ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, có 10 ca tại ổ dịch ở huyện Ý Yên, 2 ca còn lại ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường (là người lao động trở về tử Thành phố Hồ Chí Minh).
Trước diễn biến phức tạp của ổ dịch chưa rõ nguồn lây ở huyện Ý Yên, ngày 21/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã ban hành công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện này.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân huyện Ý Yên tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm sớm kiểm soát, dập dịch.
Huyện Ý Yên cần căn cứ diễn biến của dịch bệnh để đưa ra các biện pháp linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chống dịch; thần tốc truy vết, xét nghiệm phát hiện sớm F0; thiết lập vùng, khu vực cách ly y tế phù hợp trên tinh thần gia đình cách ly với gia đình, người dân ở tại nhà “ai ở đâu ở đó".
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, UBND tỉnh Nam Định, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế từ 12 giờ ngày 20/10 đối với toàn bộ xã Yên Hồng (huyện Ý Yên), với hơn 1.900 hộ dân gồm hơn 6.360 nhân khẩu. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, tính đến trưa 21/10, ổ dịch tại huyện Ý Yên có 34 ca nhiễm.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ 16 giờ ngày 20/10 đến 16 giờ ngày 21/10 tỉnh Đắk Lắk có thêm 92 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Như vậy, tính đến chiều 21/10, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2.756 trường hợp mắc COVID-19; có 1.782 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và 22 trường hợp tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại huyện Krông Búk và thành phố Buôn Ma Thuột, cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc khoanh vùng điều tra dịch tễ, truy vết nhanh và xét nghiệm trên diện rộng tại hai địa phương này.
Hà Nội rà soát hơn 3.000 người về từ phía Nam, phát hiện 32 ca F0
Trong ngày 21/10, Hà Nội ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó tại huyện Đông Anh có 3 ca, quận Hà Đông có 2 ca, huyện Chương Mỹ có 1 ca, huyện Sóc Sơn có 1 ca, huyện Gia Lâm có 1 ca, quận Đống Đa có 1 ca, quận Nam Từ Liêm có 1 ca, quận Hoàng Mai có 1 ca, quận Cầu Giấy có 1 ca.
Tính đến ngày 21/10, thành phố Hà Nội đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của hơn 3.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố miền Nam, phát hiện 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm: 23 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, 5 người về từ Đồng Nai, 1 người về từ Tây Ninh và 3 người về từ Bình Dương.
Trong số này có 21 người di chuyển bằng ô tô, 9 người đi máy bay, 1 người đi bằng xe máy, 1 người đi tàu hỏa; có 19 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, 1 người đã tiêm 1 mũi, 4 người chưa tiêm và 1 người chưa đến tuổi tiêm chủng.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, ngành y tế Hà Nội tập trung thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên người hơn 50 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần, người có bệnh mạn tính…), tiêm cho người ngoại tỉnh, công dân Hàn Quốc (theo yêu cầu của Bộ Y tế) và theo tình hình cung ứng vaccine; đồng thời rà soát thống kê số lượng trẻ em thuộc các nhóm tuổi từ 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi và 16 - 17 tuổi; xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho vị thành niên từ 12 - 17 tuổi; sẵn sàng xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, nhắc lại mũi 3, mũi 4.
Ngành y tế có trách nhiệm sử dụng nền tảng tiêm chủng COVID-19 để quản lý đối tượng được tiêm một cách chính xác và đầy đủ thông tin; tiếp tục triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, khuyến cáo người dân sử dụng sổ tiêm chủng điện tử./ .