Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Dự thảo thông tư nêu rõ về nguyên tắc kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động này đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định của thông tư này.
Đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động xã hội từ thiện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị.
"Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hàng năm phải lập báo cáo cho hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định, thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị minh bạch và rõ ràng"- dự thảo thông tư nêu rõ.
Đáng chú ý, dự thảo thông tư cũng quy định việc cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản tiếp nhận và sử dụng cho mục đích xã hội từ thiện, lập báo cáo sau khi kết thúc đợt vận động theo quy định, đồng thời thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác kế toán của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kế toán.
Trước đó, vào cuối tháng 10-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định 93 đã đưa ra một số quy định quan trọng như: Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động; Cá nhân phải phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; Cá nhân phải công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông...
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc "lùm xùm" về kêu gọi tiền từ thiện của giới nghệ sĩ, trong đó có một số nghệ sĩ đã kêu gọi, quyên góp được hàng trăm tỉ đồng trong đợt lũ lụt tại miền Trung năm 2020.
Sau đó, dư luận đặt ra các vấn đề về công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, phân phối số tiền từ thiện này. Trước phản ứng của dư luận, một số nghệ sĩ, cá nhân làm từ thiện đã thực hiện sao kê tài khoản, công khai trên các trang facebook cá nhân./.