Tính đến tháng 6/2021, số lượng thuyền viên Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài có nhu cầu hồi hương lên tới trên 1.500 người.
Cả nghìn thuyền viên Việt Nam đang "mắt kẹt" ở nước ngoài vì dịch Covid-19
Thời điểm hiện tại vẫn đang có hàng nghìn thuyền viên Việt Nam hoạt động trên các tàu biển tuyến quốc tế bị quá hạn hợp đồng lao động nhưng chưa thể hồi hương - Ảnh minh họa

Trước diễn biến “nóng” của dịch Covid-19, Cục Hàng hải VN vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải biển và cung ứng thuyền viên khẩn trương thống kê số lượng thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên tàu biển nước ngoài hoặc tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế đã làm việc trên tàu quá 12 tháng liên tục đến nay (theo Công ước Lao động hàng hải MLC, thuyền viên không được làm việc liên tục quá 12 tháng - PV).

Mục tiêu của đợt rà soát lần này nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của dịch đến quá trình đưa thuyền viên hồi hương trong bối cảnh nhiều địa phương trong nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch.

Trước đó, thống kê cho thấy tính đến tháng 6/2021, số lượng thuyền viên Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài có nhu cầu hồi hương khoảng trên 1.500 người.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Minh cho biết, theo ước tính, hiện tại, cứ 3 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển tuyến quốc tế có 1 thuyền viên bị quá hạn hợp đồng theo quy định của Công ước MLC. Trong đó, có những trường hợp quá thời hạn từ 7 - 8 tháng. Riêng công ty CP Hàng hải Liên Minh hiện đang có 200 lao động có nhu cầu thay thế.

“Khó khăn lớn nhất đối với việc hồi hương thuyền viên hiện nay là sự hạn chế các chuyến bay thương mại. Nhiều chủ tàu phải bắt buộc “bẻ” lịch trình, điều tàu về Việt Nam chỉ để thay thế thủy thủ. Chi phí cho mỗi chuyến tàu từ vài trăm nghìn đến cả triệu USD. Trong đó, tính riêng phí (phí neo đậu, phí đại lý,…) cho một tàu tải trọng trên 50.000 tấn ước khoảng 35.000 USD.

Trước thực trạng đó, công ty vận tải/cung ứng thuyền viên mong muốn các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ưu đãi phí, lệ phí hàng hải và các loại phí liên quan đối với các phương tiện ghé cảng chỉ với mục đích thay thuyền viên để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp”, ông Dương nói.

Tìm hiểu của PV, hiện nay, Tổng công ty Hàng hải VN, một trong những doanh nghiệp sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước với tổng số hơn 4.000 thuyền viên cũng đang có khoảng 400 thuyền viên quá hạn hợp đồng và có nhu cầu thay thế.