Cả nước đã có hơn 4 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 40.000 ca tử vong do Covid-19
Hôm qua, Việt Nam ghi nhận 173.221 ca tại 63 tỉnh thành, kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4.160.545 ca nhiễm, 2.616.002 người khỏi bệnh, 1.503.870 bệnh nhân đang điều trị và 40.729 ca tử vong.
Trước việc ghi nhận số ca mắc Covid-19 len lỏi khắp nơi, nhiều người cho rằng đã đến lúc nên bỏ khái niệm F0, F1. Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, người dân cần phân biệt chính xác như thế nào được xem là người tiếp xúc gần (F1).
Theo quy định của Bộ Y tế, F1 là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền. Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền. Hoặc người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Ông Nga cho rằng, trong bối cảnh Hà Nội và nhiều tỉnh thành gia tăng ca F0, len lỏi khắp nơi như hiện nay, tùy vào hoàn cảnh, nếu F1 xét nghiệm âm tính, không có triệu chứng, có thể tiếp tục đi làm.
"F1 cách ly hàng loạt sẽ ảnh hưởng lực lượng lao động. Do đó, Bộ Y tế nên ban hành, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho người dân", ông Nga nói.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam nên tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước. Trong trường hợp Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo ông Nga, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị.
Cụ thể, việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả khi đến các bệnh viện. Hệ thống tư nhân cũng có thể tham gia điều trị Covid-19 và thu phí.
Theo các chuyên gia, ít ngày nữa số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Hà Nội đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.
Bộ Y tế thống kê 20 trên 30 quận, huyện của Hà Nội đã ghi nhận biến chủng Omiron. Trong đó, 87% mẫu xét nghiệm là biến chủng phụ BA.2 của Omicron. BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với biến thể gốc là BA.1, đồng thời có thể tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc khoảng 30%. Tại TP.HCM, Omicron chiếm 76% số mẫu được giải trình tự gene virus.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, người dân không nên hoang mang và lo lắng khi "đếm số ca" mỗi ngày. Trên thực tế, độ bao phủ vaccine của Hà Nội lớn, người dân thậm chí đã được tiêm mũi 4. Ngoài ra, chủng Omicron tuy lây lan nhanh, nhưng triệu chứng bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, cơ quan y tế vẫn phải quan tâm những người sức khỏe yếu, người già, người có bệnh nền vì họ có thể chuyển nặng.
Ông Nga khuyến cáo người dân nên bỏ ngay tâm lý "ai rồi cũng là F0", vì điều này có thể gây quá tải y tế khiến các F0 nặng không được chăm sóc tốt nhất, có thể dẫn đến tử vong.
"Khi là F0, người ta đăng lên Facebook, có thể xem đây là cảnh báo với những người khác nếu lỡ tiếp xúc cần có biện pháp phòng, chống bệnh. Mặt khác, tâm lý "ai rồi cũng là F0" rất nguy hiểm. Chúng ta làm sao khẳng định được mình hoàn toàn khỏe mạnh, tỷ lệ tử vong không rơi vào mình. Chúng ta không nên đánh cược sức khỏe của bản thân", ông Nga nhấn mạnh.
"Ngành y tế chỉ cần tập trung cho những bệnh nhân nặng"
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, khái niệm F0, F1 không còn giá trị trong bối cảnh ca mắc tăng lên trên 100.000 ca/ngày như hiện nay. Ngoài ra, các địa phương cũng không còn truy vết được những trường hợp tiếp xúc của F0 như giai đoạn trước. Tương tự, khi có F1 thì cũng không xác định những trường hợp F2.
"Nếu tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 5 ngày với F1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc của người dân", ông Khanh nói.
Vị bác sĩ đề xuất chỉ nên quy định "những người mắc bệnh", "những người không mắc bệnh", không quy định F0 và F1 nữa. Người dân cần đảm bảo thực hiện quy định 5K khi ra ngoài, đến công ty hay nơi công cộng.
"Nếu họ có triệu chứng thì tự test và điều trị tại nhà, khỏi bệnh lại tiếp tục đi làm. Ngành y tế chỉ cần tập trung cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy để hạn chế ca tử vong", bác sĩ Khanh nói.
Ông cũng đồng tình quan điểm nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường, vì hầu hết người mắc nhẹ, ít triệu chứng. Ngành y tế và chính quyền địa phương cần "bảo vệ" những người lớn tuổi, nhóm nguy cơ cao có bệnh nền. Khi các hoạt động đã được mở cửa thì không cần phải truy vết hay phân loại như giai đoạn trước.
Đồng thời ông cũng đề xuất điều chỉnh lại chiến lược xét nghiệm hiện nay. Không cần phải xét nghiệm đại trà trong khu dân cư, trường học... gây tốn kém và lãng phí, nên xét nghiệm trọng tâm trọng điểm như với những người có triệu chứng, người bệnh vào bệnh viện.
Ông lưu ý người dân nên tuân thủ thật nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, đặc biệt đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Ngoài tiêm chủng, người dân cũng cần tăng cường nâng cao sức khoẻ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin, tập thể dục.
"Hiện nay 90% người bệnh không có triệu chứng, do đó nhiều F0 có thể đi lại trong cộng đồng, chúng ta cần hạn chế đến những nơi đông người", ông Nga nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, số lượng F0 bị nhiễm hiện nhiều nhưng vào trong viện không phải quá nhiều, số ca nặng và tử vong không đột biến tăng lên.
Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh không "thả cửa" để cho ai cũng đều bị nhiễm hết. Nếu tất cả mọi người nhiễm Covid-19 cùng lúc sẽ để lại gánh nặng khi số ca nặng cao, làm "vỡ" hệ thống điều trị tại bệnh viện, tạo sự lo lắng không cần thiết. Nếu được sẽ giảm dần, đỉnh dịch giảm xuống, khi đó có sự điều tiết hài hòa hơn, hệ thống y tế đáp ứng kịp.
"Vì vậy thái độ của chúng ta vẫn thực hiện 5K, tốt nhất không nhiễm. Nếu không may bị nhiễm thì nhiễm chậm, giãn ra để tất cả cùng thích nghi. Gia đình thích nghi được thì xã hội cũng sẽ thích nghi được", ông Hải thông tin thêm.
Đề xuất dừng công bố ca Covid-19, bỏ cách ly F1
Ngày 5/3, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã đề xuất dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày để tránh gây hoang mang và bỏ cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine. Bộ Y tế cho rằng số ca Covid-19 hiện chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Dù số ca Covid-19 cộng đồng tăng nhanh, tỷ lệ tử vong giảm sâu, do Việt Nam đã bao phủ vaccine diện rộng.
Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Y tế đề xuất F1 chỉ tự theo dõi sức khỏe 10 ngày, nếu đáp ứng một trong các điều kiện: Đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày, từng là F0 khỏi bệnh trong ba tháng. F1 xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ 5, kể từ thời điểm tiếp xúc F0...
Bộ Y tế kiến nghị, F0 không có triệu chứng, trong thời gian 7 ngày cách ly, được tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương bố trí cho F0 làm việc trực tuyến, không tiếp xúc với người xung quanh. F0 cũng được tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại gia đình, tại cơ sở lưu trú hoặc bệnh viện, tuân thủ 5K.../.