Ngày 20/10, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết: Ngay sau khi xác định được ca bệnh, viện đã cử đội phòng, chống dịch cơ động đến Phú Thọ để phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra dịch tễ. Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Đội phòng chống dịch cơ động cũng đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần). Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả mẫu bệnh phẩm đều âm tính với cúm A (H5). Hiện, tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Như vậy, tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A (H5). Theo Bộ Y tế, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển.
Dự báo, trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để. Cùng với đó, rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng, chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch.
“Y tế các địa phương cần phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng biện pháp ứng phó”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao…
Để phòng, chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra 5 biện pháp phòng bệnh mà người dân cần thực hiện, cụ thể: Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương; nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Ngày 20/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh với một số nội dung trọng tâm sau:
Tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch; Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.