Theo dự thảo, đề án sẽ có 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại 5 bệnh viện lớn trên cả nước. Mỗi trung tâm sẽ có 500-1.000 giường bệnh.

Chiều 21/7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đã chủ trì cuộc họp góp ý đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng.

Bộ Y tế lập đề án xây 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia
Bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức, TP.HCM). (Ảnh: Bộ Y tế)

Ông Khuê cho biết đề án cần xây dựng trên nguyên tắc bệnh viện, địa phương đều phải phát triển cấp cứu, hồi sức tích cực. Điều này có thể đáp ứng không chỉ tình hình dịch mà còn cho các bệnh lý không lây nhiễm khác.

Tuy nhiên, cũng cần chọn lựa bệnh viện có năng lực chuyên môn "nhỉnh" hơn để huy động, là cánh tay nối dài của Bộ Y tế để đáp ứng hỗ trợ các địa phương khác.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đề nghị cần phát triển những trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực trên cơ sở sẵn có, chỉ cần sửa chữa nhỏ để đưa vào hoạt động kịp thời.

Theo dự thảo, đề án sẽ có 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM).

Mỗi trung tâm sẽ có 500-1.000 giường bệnh và gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm 50-100 giường bệnh.

Trong ngày 21/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo sẵn sàng thu dung, điều trị COVID-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu…

Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng. Phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp oxy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch thiết lập trung tâm hồi sức cấp vùng để sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần.Để đảm bảo công tác cấp cứu hồi sức tích cực, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đi đánh giá khảo sát năng lực cấp cứu và hồi sức tích cực tại một số địa phương và tổ chức cuộc họp xin ý kiến góp ý với Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, Hội Hô hấp; Hội Truyền nhiễm…, và các bệnh viện trên cả nước./.