Bộ Y tế khẳng định, các phòng khám, bệnh viện nếu từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dẫn đến hậu quả đau lòng, thì ngoài đình chỉ hoạt động, Bộ sẽ mời công an vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm.

Trước bức xúc của người dân về việc người viêm phổi hoặc mắc các bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng bị các phòng khám đa khoa từ chối cấp cứu dẫn đến tử vong ở Bình Dương, ngày 20/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã dẫn đầu đoàn công tác đến Bình Dương chỉ đạo xử lý rốt ráo sự việc trên.

Bộ Y tế: Không dung túng cơ sở y tế từ chối cấp cứu bệnh nhân dẫn đến tử vong
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) dẫn đầu đoàn công tác đến Bình Dương xử lý vụ việc từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dẫn đến tử vong.

Trước đó, bà T.K (50 tuổi, quê Cà Mau) tức ngực, khó thở nên được người thân đưa đến Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An (Thuận Giáo, Thuận An) nhưng không được bảo vệ cho vào cấp cứu mà chỉ đi nơi khác dẫn đến hậu quả bà K tử vong trên đường di chuyển.

Tương tự, ông N.D (57 tuổi) có tiền sử huyết áp cao, có dấu hiệu đột quỵ. Ông D chuyển biến nặng, khó thở, nôn ói nên được đưa đến Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc (TP. Dĩ An, Bình Dương). Tuy nhiên, phòng khám này cho rằng bệnh ông D nặng quá nên chuyển đi nơi khác. Đến nơi khác, ông cũng không được tiếp nhận và đã tử vong.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, ngay khi xảy ra sự viện, các lực lượng thanh tra ngành y tế và công an đã vào cuộc. Trước mắt, Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An và Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc được yêu cầu tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác xác minh của cơ quan pháp luật và Thanh tra Sở Y tế.

Thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng như nhiều sở, ngành, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở y tế công lập và tư nhân phải tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Nếu vi phạm, căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý.

Trực tiếp đến kiểm tra tại hai phòng khám trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Bình Dương phải tạm thu giữ ngay giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của hai cơ sở này, đồng thời nhanh chóng làm rõ các vi phạm (nếu có). Sai ở cá nhân nào, khâu nào phải xử lý ngay và nghiêm.

Ngoài chỉ đạo xử lý các phòng khám, đoàn công tác Bộ Y tế còn làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng một số ban ngành và kết nối làm việc trực tuyến với các Trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh này về công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Theo thông tin Sở Y tế Bình Dương, hết ngày 19/8, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ thứ ở Bình Dương đã vượt mốc hơn 55.600 người. Ghi nhận tại nhiều địa phương ở Bình Dương, số ca tử vong vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong 24h giờ qua, Bình Dương đã vượt qua TP.HCM trở thành địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trên cả nước với 4.223 trường hợp.

Ngày 20/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 41 ca tử vong tại Bình Dương./.