Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu ở nhiều tỉnh tại khu vực Tây Nguyên, sáng qua 9.7 tại Gia Lai, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo, các Sở, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng chống bệnh bạch hầu
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 66 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, tập trung tại 4 tỉnh gồm Đắk Nông (26 ca), Kon Tum (24 ca), Gia Lai (16 ca) và Đắk Lắk (1 ca) và 3 trường hợp tử vong tại Gia Lai (1 ca), Đắk Nông (2 ca). Tại các nơi có ổ dịch, hầu hết người mắc trên 7 tuổi, không được tiêm phòng đầy đủ.
Muốn ngăn chặn nhanh thì khi phát hiện phải điều trị ngay
Theo Bộ Y tế, mặc dù bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, hiện đang xảy ra ở 4 tỉnh Tây Nguyên nhưng hầu hết các ổ dịch vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, các ca nhiễm bệnh đang được điều trị và tình hình sức khỏe ổn định, khả quan. Đối với tình hình dịch bệnh bạch hầu, khó khăn chung mà các tỉnh đang gặp phải hiện nay là những khu vực có bệnh đều là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn chưa cao, người dân vẫn chưa ý thức được cách phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, vắcxin tiêm phòng đối với lứa tuổi còn thiếu nên rất cần được hỗ trợ. Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với bệnh bạch hầu thì đây là một bệnh truyền nhiễm rất rõ ràng, tuy nhiên bệnh có vắcxin điều trị và thuốc đặc dụng nên muốn ngăn chặn nhanh thì khi phát hiện phải điều trị ngay và dự phòng cho toàn khu vực, ngăn ngừa biến chứng, lây nhiễm.
“Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vắcxin vì thế các địa phương không nên lo lắng về việc này. Dự kiến khoảng 11 triệu liều vắcxin sẽ được hỗ trợ cho các địa phương, số vắcxin này ngay trong chiều nay (9.7) sẽ được chỉ đạo chuyển đến. Ngoài ra, sẽ cung cấp 200.000 khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho mỗi địa phương. Nếu thiếu Bộ sẵn sàng chu cấp thêm. Mặc dù dịch bạch hầu đang như vậy nhưng không được quên dịch bệnh Covid-19, bởi vậy vẫn phải đảm bảo triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19. Phải đảm bảo không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì đây là thời điểm quan trọng, cần ngăn ngừa ngay và không để lây lan các dịch bệnh”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Cũng tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đề nghị Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu nói riêng và các dịch bệnh nguy hiểm nói chung cho ngành Y tế các tỉnh. Đồng thời hướng dẫn cho địa phương việc mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Cung cấp kịp thời vắcxin Td cho các tỉnh để tổ chức tiêm phòng cho người dân trong vùng dịch, nhằm tăng cường củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu. Trước đó ngày 8.7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã gửi công văn khẩn tới Sở y tế các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, yêu cầu tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu. Văn bản nêu rõ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh tiếp tục triển khai tập huấn lại việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho tất cả cơ sở y tế trong toàn tỉnh, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân nhằm tăng cường phát hiện sớm, cách ly kịp thời, điều trị và theo dõi người bệnh bạch hầu, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Ngoài ra khẩn trương rà soát và bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn về Bộ Y tế. Văn bản cũng đề nghị, Sở Y tế các tỉnh cần chủ động liên hệ, phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống bệnh truyền nhiễm như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.
Căng mình dập dịch
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, tại Đắk Nông từ đầu năm đến nay ghi nhận 8 ổ dịch bạch hầu với 28 ca dương tính, trong đó 2 trường hợp tử vong. Ngành Y tế Đắk Nông đã tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm cho 1.221 trường hợp. Các địa phương trong tỉnh đang cách ly 659 hộ gia đình và 3.530 người tại các khu vực dân cư có ghi nhận ca bệnh dương tính. Các nơi có dịch cũng đã được khử trùng, khử khuẩn. Tại Gia Lai, chính quyền địa phương huyện Đắk Đoa đã kịp thời khoanh vùng, cách ly tại chỗ 267 hộ dân với 1.421 nhân khẩu ở làng Bông Biot, xã Hải Yang. Ngoài ra, xã Hải Yang cũng tiến hành điều trị dự phòng cho 4.621 người dân, ngành y tế cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc trên địa bàn toàn xã. Ở Đắk Lắk, chiều 7.7 trên địa bàn huyện Lắk ghi nhận trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu đầu tiên là bệnh nhân là H. B. J (SN 1968, trú buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk).
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế sẽ tăng cường giám sát dịch không chỉ ở những xã có ca bệnh mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao. Hiện, ngành Y tế Đắk Lắk đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phun hoá chất diệt khuẩn tại nhà của trường hợp dương tính với bạch hầu và các hộ lân cận, xử lý môi trường toàn bộ khu vực buôn Diêo. Bên cạnh đó, khoanh vùng cách ly, lập 3 chốt chặn kiểm soát, hạn chế người dân đi vào vùng có dịch. Đồng thời, đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và những trường hợp có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp; tổ chức cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân trong buôn; tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại trường học và cộng đồng.
Chiều qua 9.7, tại Gia Lai diễn ra lễ phát động tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu. Trước tiên tiến hành tiêm cho toàn bộ người dân trên 7 tuổi ở làng Bông Biot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa. Đây là một phần trong chiến dịch của Bộ Y tế tiêm vắcxin cho trẻ tại các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh nguy cơ cao là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cụ thể, trẻ 2-4 tháng tuổi tiêm vắcxin 5 trong 1; trẻ 18-22 tháng tuổi và từ 5-7 tuổi tiêm vắcxin 3 trong 1; người lớn sẽ tiêm vắcxin Td ngừa bạch hầu - uốn ván.
Giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 862/CĐ- TTg về việc yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể: Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong;
Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh của từng địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắcxin phòng bệnh; Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh… (P.V)