Sáng 29/6, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hỗ trợ cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Việt Nam, trong đó có công cuộc phòng chống dịch COVID-19.
Chia sẻ với bà Victoria Kwakwa, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất Ngân hàng Thế giới có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine cũng như ứng phó công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Ông Long cho biết, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia có Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Việt Nam là 1 trong 44 quốc gia có thể sản xuất được vaccine nhưng hiện có rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này. Theo GS Long, nếu như có khoản vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vaccine và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vaccine đáp ứng Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai (nếu có).
“Quy trình khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến kiểm định vaccine có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao năng lực tổng thể phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và Việt Nam luôn ưu tiên công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, mong Ngân hàng Thế giới ủng hộ những dự án này của Việt Nam”- ông Nguyễn Thanh Long cho biết.
Bà Victoria Kwakwa chia sẻ, Việt Nam đã phòng chống dịch hiệu quả, tuy nhiên trước biến đổi mới của SARS-CoV-2, cần có thêm chiến lược vaccine kết hợp chặt chẽ các biện pháp trước đó. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục có những thành công trong phòng chống dịch, bảo vệ được thành quả chống dịch”- bà Victoria Kwakwa bày tỏ.
Liên quan tới đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế về các nguồn vốn vay cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, đây là đề xuất hết sức quan trọng, do đó Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới cần làm việc sớm. "Cần có sự phối hợp và làm việc thống nhất giữa các bộ, ngành để có thể trong thời gian ngắn có thể huy động được các nguồn vốn trong các dự án của Ngân hàng Thế giới hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam, kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành y tế Việt Nam"- bà Kwakwa cho biết.
Về tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam theo cam kết của các nhà sản xuất, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh hiện tại nguồn cung vaccine phụ thuộc vào khả năng cung ứng. “Chúng tôi cố gắng sẽ thúc đẩy các hãng, nhà sản xuất vaccine cũng như COVAX cung ứng đúng thời hạn đã ký kết với Việt Nam”- bà Kwakwa nói./.