Bộ Y tế khuyến nghị TP.HCM 3 hình thức giãn cách xã hội, đồng thời hỗ trợ thành phố nhân lực y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá diễn biến dịch tại TP.HCM còn phức tạp, số ca mắc có xu hướng gia tăng. Trong 7 ngày qua, TP.HCM ghi nhận trung bình 500-600 ca mắc/ngày, chủ yếu là các trường hợp tiếp xúc với F0 đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế và xét nghiệm tại cộng đồng.

Bộ Y tế cảnh báo dịch COVID-19 lây nhiễm phức tạp tại TP.HCM
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long Báo cáo về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM trong cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 8/7.

Theo báo cáo của Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại TP.HCM, ngày 7/7, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận 2 ổ dịch mới phát sinh. Điều rất quan ngại là nhiều ca bệnh, ổ dịch đã xuất hiện trong các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối, đã xuất hiện lây nhiễm tại 6 ổ dịch trong khu công nghiệp, đồng thời có một số ổ dịch trong khu dân cư.

“Thực trạng này cảnh báo lây nhiễm dịch ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn gia tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa tăng gánh nặng đối với cơ sở y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long Báo cáo về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM trong cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 8/7.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chống dịch tại TP.HCM còn là chống dịch cho cả nước, theo đó, TP.HCM phải gắn kết chặt chẽ với phòng chống, dịch với các tỉnh, thành phố lân cận gồm Bình Dương, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến nghị 3 hình thức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM. Cụ thể, giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 “+” cộng trên địa bàn toàn thành phố. Thực hiện phong toả chặt chẽ một số khu vực có nguy cơ cao “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thứ ba, áp thiết chế cách ly tập trung tại vùng lõi để tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung, theo đó, người dân phải tuân thủ “không được ra khỏi nhà” và tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu phải được cung cấp đến từng nhà.

>> Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người dân TP.HCM không thực sự cần thiết, không ra khỏi nhà

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, sau khi rà soát tổng lượng và nhu cầu nhân lực y tế trên địa bàn TP.HCM, Bộ Y tế đã quyết định huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Bộ Y tế cũng sẽ điều 30 xe tiêm chủng lưu động tới TP.HCM tiêm. Dự kiến, trong tháng 7/2021, sẽ có khoảng 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và sẽ ưu tiên dành cho TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế.

Trong điều kiện giãn cách, TP.HCM cần bố trí tiêm vaccine theo các khung giờ khác nhau và tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ. “Bộ Y tế sẽ điều 30 xe tiêm lưu động để hỗ trợ TP.HCM thực hiện tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư, nhằm hạn chế tối đa người dân tập trung tại một địa điểm và ra ngoài nhiều” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói./.