Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”;
Đồng thời, cam kết không để thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
Ưu tiên giảm ca bệnh nặng, tử vong
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại TP. HCM, các địa phương khu vực phía Nam tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp. Hiện ngành Y tế đang tập trung chuẩn bị tích cực, đồng bộ, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế số tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh lý nền, người cao tuổi, bệnh nhân chạy thận nhân tạo…
Sau khi trao đổi với lãnh đạo TP HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP. HCM cơ sở 2) đã được thiết lập, có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng Đặc biệt. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện này.
“Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị tất cả trường hợp thở máy trên toàn Thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này”, ông Long cho biết.
Về trang thiết bị, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này.
Chuẩn bị các kịch bản mua sắm trang thiết bị phòng dịch
Mới đây, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, kiểm soát lại toàn bộ quá trình thiết lập, chuẩn bị các giường hồi sức tại các bệnh viện này.
Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực tại các khu vực. Bộ Y tế sẽ trực tiếp chỉ đạo các khu vực này.
“Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đang chuẩn bị cho ‘kịch bản xấu và xấu hơn’”, ông Long nói.
Nhận định về đầu tư trang thiết bị phòng, chống dịch còn chậm, ông Long cho biết, có nhiều nguyên nhân, thủ tục, quy trình mua sắm nhiều bước; khả năng đáp ứng của các đơn vị cung ứng hạn chế; việc sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức độ cao hơn nhiều…
Bộ Y tế phải chuẩn bị kịch bản dài hơi với mua sắm sinh phẩm chẩn đoán do nhu cầu rất lớn, với đặc tính sinh học lây lan nhanh của biến chủng virus đợt này. Theo đó, bộ sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc… về xét nghiệm nhanh; tăng cường sản xuất trong nước về xét nghiệm PCR.
"Đầu tuần tới, có khoảng 7 triệu test nhanh sẽ về Việt Nam qua các nguồn viện trợ. Bộ Y tế sẽ ưu tiên cho các tỉnh có tình hình dịch phức tạp”, ông Long thông tin.
Về thiết bị máy móc xét nghiệm (máy PCR và máy tách chiết), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay và vẫn phải mua thêm để dự trữ.
Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…