Trả lời câu hỏi: "Có biến thể mới độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần như thông tin lan truyền trên mạng xã hội hay không?", GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, theo các nghiên cứu trên thế giới, biến thể COVID-19 chủ đạo vẫn là Omicron và các biến thể phụ. Các biến thể này không làm gia tăng chuyển nặng. Tỷ lệ bệnh nhân nặng/số ca mắc không có sự gia tăng. Tại Việt Nam, từ đầu tháng 4 tới nay, tỷ lệ bệnh nhân nặng/ số mắc thậm chí còn thấp hơn so với tháng 3 do đặc điểm giao mùa, có sự phát hiện số ca mắc tăng.
Ông Lân thông tin, hiện công tác giải trình tự gene COVID-19 vẫn được các đơn vị triển khai thường xuyên. Các phòng xét nghiệm vẫn thu thập mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên để giải trình tự gen. Ngoài ra, tiếp nhận các thông tin từ quốc tế về biến thể của virus, nếu có.
Theo ông Lân, đến thời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng khác. “Hiện nay trên thế giới, cũng như Việt Nam biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế” – ông Lân nhấn mạnh.
Với biến thể Omicron vaccine vẫn có hiệu quả do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, các biện pháp phòng chống cần tập trung vào đối tượng nguy cơ cao.
Tại các cơ sở y tế, số ca COVID-19 thời gian gần đây có gia tăng tuy nhiên theo các bác sĩ điều trị triệu chứng ban đầu của bệnh nhân COVID-19 vẫn là ho sốt, mệt mỏi... và chưa ghi nhận triệu chứng mới ở người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cũng khuyến cáo: “Hiện nhiều thông tin vô căn cứ lan truyền trên mạng xã hội là xuất hiện biến chủng mới, gây tử vong nhanh chóng. Người dân hết sức bình tĩnh, theo dõi các thông tin chính thống từ cơ quan y tế”.
Theo An Bình - vtc.vn