Sau hơn 1 tháng để “trống ghế”, kể từ khi ông Nguyễn Thanh Long bị cách chức, khởi tố, bắt tạm giam, ngày 15/7, Bộ Y tế đã có quyền Bộ trưởng là bà Đào Hồng Lan (SN 1971), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Khác với các lãnh đạo tiền lệ, bà Đào Hồng Lan là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên, tính từ năm 1945 đến nay không có trình độ chuyên môn ngành Y.

Việc không có chuyên môn về y tế sẽ có những khó khăn, thách thức gì cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan? Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

nguyen-tien-dinh-2-1658306481.jpg
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

NĐT: Thưa ông, bà Đào Hồng Lan nhận nhiệm vụ là Quyền Bộ trường Bộ Y tế đang nhận được sự quan tâm. Việc không có chuyên môn về y tế liệu có gây khó cho Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trong công tác điều hành, quản lý hay không?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực ra, tư duy cũ của chúng ta vẫn cứ nghĩ Bộ trưởng của một Bộ, ngành nào đó thì phải có chuyên môn của ngành đó. Nhưng, thực chất theo tôi cũng cần phải đối mới.

Bộ trưởng là chính khách, nhà chính trị có tầm nhìn chiến lược và hoạch định chính sách nên không nhất thiết phải là người có chuyên môn sâu. (Người có chuyên môn sâu là những người điều hành cụ thể tầm Thứ trưởng trở xuống). Vì thế, Bộ trưởng là nhà chính trị nên được đào tạo, rèn luyện và có nhãn quan chính trị, có tầm chiến lược.

Bà Đào Hồng Lan được đào tạo, rèn luyện qua rất nhiều cương vị, từng làm ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng, thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy… trước kia cũng theo dõi về mảng Bảo hiểm xã hội – liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, cũng là mảng gắn với ngành y tế nên tôi cho rằng đây cũng là thuận lợi và Bộ Chính trị cũng đã có sự tin tưởng giao cho bà là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chờ Quốc hội phê chuẩn Bộ trưởng. 

dao-hong-lan-bo-y-te-2-1658306516.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định Bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng La

NĐT: Bà Đào Hồng Lan nhận nhiệm vụ trong lúc ngành y đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nhất là những lùm xùm liên quan đến vụ Việt Á, mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế… Vậy theo ông những khó khăn và thách thức mà bà Lan sẽ gặp phải đó là gì?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Trong thời điểm chống dịch Covid-19 vừa qua, ngành y tế rất vất vả, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhưng, rõ ràng cũng bộc lộ những vấn đề tiêu cực trong công tác mua sắm, đấu thầu kit xét nghiệm, cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc… nhiều dịch bệnh mới phát sinh. Đây đều là những khó khăn bà Đào Hồng Lan sẽ phải đối mặt.

Tôi cho rằng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ phải tập hợp đoàn kết lại các lực lượng chuyên môn, cùng đồng lòng tham mưu giúp cho Chính phủ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về y tế cho tốt. Tôi tin rằng với năng lực của mình, bà sẽ làm được và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

NĐT: Cá nhân ông có kỳ vọng gì về tân Quyền Bộ trưởng trong việc vực dậy ngành y?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi cũng rất kỳ vọng tân quyền Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ vực dậy ngành y. Bởi, Bộ Chính trị đã cân nhắc và trước đó đồng chí Tổng Bí thư cũng nói rằng “Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội không vội, phải chọn một cách kỹ lưỡng”.

dao-hong-lan-nguoiduatin-1658306559.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ kỳ vọng tân quyền Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ vực dậy ngành y.

NĐT: Từ những sai phạm của các cán bộ thời gian qua, đặc biệt liên quan đến “cơn bão Việt Á” nhiều cán bộ đã vướng vào vòng lao lý, ttheo ông việc lựa chọn công tác cán bộ cần phải theo những tiêu chí, tiêu chuẩn nào, làm sao không để những “viên đạn bọc tiền”, “vali triệu đô” làm suy thoái cán bộ?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:Tiêu chuẩn thì Đảng đã đưa ra từ phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị cho đến năng lực.

Vấn đề là thông qua các vụ việc này, Đảng đã tiến hành công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực hết sức quyết liệt, không có vùng cấm. Đây là bài học cho những cán bộ thế hệ sau, đồng thời các quy trình để thực hiện, lựa chọn cán bộ cũng ngày càng hoàn thiện, lựa chọn cán bộ một cách thận trọng. Trong đó, có cơ chế, hoàn thiện pháp luật để giám sát, kiểm soát quyền lực cho phù hợp.

Các đồng chí được bổ nhiệm, đề bạt vào những vị trí đó đều là những con người tốt, đều có quá trình phấn đấu và trưởng thành rèn luyện mới đạt được những vị trí đó, nhưng khi lên được vị trí đó có quyền lực thì dễ bị tha hóa bởi quyền lực. Vì thế, cần có giám sát, kiểm soát quyền lực. Bản thân những cán bộ đó phải rút ra bài học của những người đi trước, phải vượt qua chính mình, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.