a-1667572120.jpg
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Hiện đã đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo - Ảnh: VGP/LS

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu rõ chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đã được Bộ Chính trị nêu trong Kết luận 14 ngày 22/9/2021. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết đã tham mưu, đề xuất gì cho Chính phủ để cụ thể hóa chủ trương lớn này, nhất là đối với những quy định có tính bắt buộc?

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là nội dung Bộ Nội vụ quan tâm sâu sắc. Chủ trương này cùng với chính sách trọng dụng nhân tài là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, văn kiện quan trọng. "Nhiều nước đã làm ra kỳ tích phát triển thông qua chính sách, chú trọng việc trọng dụng nhân tài", Bộ trưởng Trà cho biết.

Để cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị, Bộ nội vụ đã tham mưu ban hành Nghị định 140 từ 2018, thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Một số địa phương rất chú trọng như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, thông qua HĐND có chính sách phù hợp để trọng dụng nhân tài. Ngoài ra, các địa phương đã thu hút được khoảng 3.000 cán bộ khoa học trẻ, sinh viên giỏi, tuy nhiên vẫn còn quá ít so với số người làm việc trong khu vực công.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài; có cơ chế chính sách để thu hút, hấp dẫn hơn, kèm theo khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) về tình hình tinh giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vấn đề này? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua các cơ quan đã nỗ lực sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, theo đó, giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ thường xuyên và tự chủ một phần. 

b-1667572092.jpg
Đại biểu Nguyễn Trường Giang chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: VGP/LS

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận trách nhiệm của Bộ khi chưa thường xuyên đôn đốc, báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo rốt ráo các vấn đề trong việc tổ chức thực hiện cũng như sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hoá) về đổi mới, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, đã thực hiện cắt giảm hàng trăm chứng chỉ cho cán bộ, công chức, viên chức. Việc này đi vào thực chất chứ không phải chạy theo hình thức hay bằng cấp, được nhân dân ủng hộ. Tới đây, sẽ hợp tác đào tạo với nước ngoài theo đối tượng cho cán bộ, công chức các bộ ngành, địa phương.

Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) về các giải pháp khắc phục sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức trong thời gian qua? Bộ trưởng chỉ rõ, thời gian qua, việc thực hiện Kết luận số 71-KL/TW về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 27 của Ban Bí thư đã giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức hướng dẫn rà soát các sai phạm trong việc tuyển dụng, công chức, viên chức từ 2007 đến nay. Kết quả rà soát 88.888 người theo Kết luận 27 của Ban Bí thư và xử lý thu hồi hơn 1.000 quyết định tuyển dụng công chức, viên chức có sai phạm; số còn lại có đủ điều kiện theo quy định của Trung ương để cho khắc phục. Như vậy, qua lần này chúng ta đã giải quyết triệt để, coi như tổng rà soát lại việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2007 đến nay để hạn chế sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức./.