mon-lich-su-1636712232646-1636766795.jpeg

Phổ điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. 

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn tại Quốc hội, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nêu thực trạng hiện nay trong các kỳ thi, điểm thi môn Lịch sử thường thấp hơn các môn học khác. Không ít học sinh còn thờ ơ, thái độ học tập mang tính đối phó.

Đại biểu này đặt câu hỏi: "Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân của những tồn tại trên? Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp gì để đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập môn lịch sử?".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là vấn đề chuyên môn khá sâu trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và nhiều diễn đàn cũng có đề cập.

Bộ trưởng thừa nhận môn Lịch sử rất quan trọng nhưng thực tế có tình trạng học sinh không ham thích môn Lịch sử, học đối phó, điểm thi thấp.

"Môn học đó cho chúng ta những hiểu biết xã hội, lịch sử, những kinh nghiệm sống, giúp cho việc tu dưỡng và phát triển con người, hiểu biết về đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

Lịch sử đất nước hào hùng, có rất nhiều điều mà các thế hệ sau tự hào nhưng tại sao học sinh không hứng thú, điểm thì thấp, điều đó có lẽ nằm ở việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá", Bộ trưởng thừa nhận.

Cũng theo Tư lệnh ngành Giáo dục, hiện nay việc dạy học môn Lịch sử vẫn thiên về các sự kiện, các số liệu và chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá thi cử vẫn thiên về kiểm tra về các số liệu, ngày, tháng, các sự kiện, mà chưa chú ý nhiều đến vấn đề về tư duy, về ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.

"Thời gian sắp tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai việc đổi mới giảng dạy và học tập môn Lịch sử.

Trong hội nghị tổng kết năm học và giao nhiệm vụ năm học vừa qua, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục lên phương án để đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử.

thi-crop-1633503723094-1636766811.jpeg

Nhiều thầy cô cho rằng, chương trình môn Lịch sử quá nặng nề và chi tiết, bắt học sinh phải nhớ quá nhiều sự kiện nên học sinh "ngán" học. 

Theo đó, hướng dạy học môn Lịch sử sắp tới là tăng cường tính sáng tạo của học sinh, không áp đặt các cách hiểu đối với Lịch sử.

Nếu học sinh còn có những điểm khác trong cảm nhận, đánh giá thì cần có trao đổi, thuyết phục, tranh luận để học sinh có được nhận thức đúng, không áp đặt và thi kiểm tra không đánh đố bằng các con số, nhớ được ngày tháng, nhớ được địa điểm, địa danh, sự kiện. Đây cũng là một việc lớn, có tính chất chuyên môn sâu. Chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch để triển khai việc này", Bộ trưởng khẳng định.

Được biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, môn Lịch sử có hơn 200 điểm 0.

Như vậy, ít nhất trong 3 năm gần đây, môn Lịch sử luôn ở khu vực cuối bảng: năm 2019 thấp nhất, năm 2020 thấp nhì, năm 2021 về vị trí thấp nhất.

Tính từ năm 2016, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79; năm 2019 là 4,3; năm 2020 là 4,5. Năm 2021, với trung bình 4,97, Lịch sử là môn có kết quả "đội sổ" trong các môn thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều thầy cô cho rằng, chương trình môn Lịch sử quá nặng nề và chi tiết, thiên về cung cấp kiến thức, bắt học sinh phải nhớ quá nhiều sự kiện ngày tháng năm diễn ra, nên học sinh rất "ngán" học môn này.

Nội dung sách giáo khoa Lịch sử đậm chất báo cáo chính trị, nghiêng về sự kiện, nào là những chiến dịch, những trận đánh, ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, bắn rơi mấy chiếc máy bay, xe tăng, tàu chiến rồi sự kiện đó diễn ra vào ngày tháng năm nào…, nên học sinh khó nhớ hết.

Nhiều người hy vọng những bất cập trong SGK và việc dạy học môn Lịch sử sẽ được khắc phục trong Chương trình và SGK mới./.