Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đặc biệt, bổ sung thêm 1 chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong đó sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là "các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình".

Đặc biệt, dự án luật cũng bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sinh con, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và một số đối tượng đặc thù khác.

4732-1-1666747923.jpg
Hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan

Theo đó, khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: Bảo đảm thực hiện các quyền ưu tiên của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật; Áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; Không được từ chối giải quyết khiếu nại, đề nghị giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Đặc biệt là chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đồng thời xây dựng, lồng ghép chính sách và cơ chế đảm bảo quyền ưu tiên cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình kinh doanh, trong đó có trình tự, thủ tục, phương thức cho phép từng nhóm người tiêu dùng khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với từng yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, dự thảo luật hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng. Đồng thời hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng..

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia./.