Bộ Nội vụ vừa chính thức có Tờ trình Chính phủ về Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua.
Bộ Nội vụ đã trình Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Nguyễn Điệp)

Hôm nay (2/7), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ.

Hội nghị được kết nối tới các điểm cầu trong cả nước với 1.050 người tham dự. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội nghị.

Báo cáo do Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trình bày cho thấy, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất. Ngày 14/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức có tờ trình Chính phủ về việc này.

Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất chủ trương giao biên chế và thực hiện tinh giản biên chế năm 2022 và các năm tiếp theo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nghị định liên quan về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm; tích cực rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương thuộc lĩnh vực nội vụ.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, một số bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành chưa kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nhiệm vụ của ngành thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và nhiều việc rất phức tạp, nhạy cảm. Nếu không quyết tâm, nỗ lực và không năng động, sáng tạo sẽ không làm được.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý, toàn ngành cần lưu ý bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ và địa phương để tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn địa phương, cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

"Nếu chúng ta không dám nghĩ, dám làm, không dám đột phá thì sẽ không giải quyết được những vấn đề rất lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang mong đợi. Cần triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, để vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, cũng như có một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho sự phát triển của ngành Nội vụ. Vì sự phát triển của ngành nội vụ tác động trực tiếp đến việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Để có một hệ thống công vụ, công chức đảm bảo theo đúng yêu cầu của tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng toàn ngành phải đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới phương thức chỉ đạo và điều hành. Cùng với đó, cần tập trung cao độ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trên lĩnh vực của ngành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu các địa phương tập trung tham mưu cho HĐND, UBND các cơ chế, chính sách để thực hiện các đột phá chiến lược trên lĩnh vực của ngành, thực hiện tốt việc quản lý công chức, viên chức, xây dựng nền công vụ, công chức hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, qua đó sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp, các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp cơ sở.