Đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm (Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) về việc bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong trường học đang được bàn luận sôi nổi với nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Các ý kiến phản đối cho rằng, khẩu hiệu này không đơn thuần là triết lý về giáo dục mà còn là nét văn hóa đẹp của dân tộc.
"Lỗi không ở chữ Lễ"
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sau khi đọc bài tham luận của GS.TS Trần Ngọc Thêm, ông ủng hộ quan điểm, khi bước vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển của đất nước bằng tri thức thì cần giáo dục con người chủ động, sáng tạo, có tư duy phản biện và là con người phát triển.
Tuy nhiên, TS Đức không đồng tình với những quan điểm bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". "Lỗi là do chúng ta diễn giải chữ 'lễ' và chữ 'văn' chứ không phải lỗi ở khái niệm. Vấn đề cốt lõi của chúng ta là diễn giải 'Tiên học lễ, hậu học văn' trong thời đại mới thế nào, chứ không cần loại bỏ nó", ông nhấn mạnh.
Khi diễn giải, chúng ta không nên quy chữ "lễ" là các khuôn mẫu đạo đức cũ của xã hội phong kiến với truyền thống nông nghiệp, tiểu nông cục bộ, và cũng không nên hiểu đơn giản "văn là tri thức" (tri thức tự nhiên và tri thức khoa học kỹ thuật…). Nếu đóng khuôn như vậy vô hình trung đã bó hẹp ý nghĩa và dẫn đến bỏ đi khẩu hiệu đó.
Ông Đức cũng cho rằng, chúng ta cần những triết lý giáo dục mới, dạy con người chủ động sáng tạo phát triển chứ không phải dạy con người nghe lời (một trong số đó là nghe lời thầy). Học trò chỉ không nên nghe lời thầy một cách tiêu cực.
Về cơ bản, trò không nghe lời thầy cũng là không đúng. Điều tiêu cực ở đây là thầy tưởng tất cả những điều thầy nói là chân lý, là không thể vượt qua. Từ việc thầy có quyền bắt học trò nghe lời dẫn đến thầy áp đặt cái gì lên trò cũng được. Rất nhiều thầy cô đã lợi dụng chữ "lễ" để ứng xử tiêu cực với học trò.
"Vậy lỗi không phải là chữ 'lễ' mà lỗi ở chỗ người thầy không hiểu hết ý nghĩa của chữ 'lễ'. Do đó, việc của chúng ta không phải là bỏ chữ 'lễ' đi mà sửa lại làm sao cho triết lý giáo dục mới dạy con người sáng tạo, tự chủ, phát triển chủ động. Thầy cô phải hiểu điều đó để dạy học trò. Nên nhớ, lỗi không nằm ở chữ "'ễ' và lỗi cũng không ở việc người ta đề cao chữ 'lễ", PGS.TS Lê Quý Đức kết luận, đồng thời nói thêm, bản thân người làm giáo dục (người thầy, cán bộ quản lý giáo dục) phải hiểu rõ công việc, chức năng, nhiệm vụ của mình và đặc biệt là triết lý giáo dục của nền giáo dục mới hiện nay.
Ông nhấn mạnh, cần hiểu chữ “lễ” là giáo dục những khuôn mẫu của đời sống xã hội, khuôn mẫu ấy có thể là khuôn mẫu đạo đức, hành vi, khuôn mẫu văn minh; chữ “lễ” rất rộng. "Xã hội xưa hay nay đều thế, bỏ chữ 'lễ' đi tức là hạ thấp hoặc xóa đi chức năng trồng người của giáo dục. Tóm lại, xã hội phát triển cần có triết lý giáo dục mới, đó vẫn là dạy con người cả đạo đức, nhân cách lẫn tài năng trí tuệ, như vậy 'Tiên học lễ, hậu học văn' vẫn sẽ còn mãi, chỉ có điều cần luận giải nó, đưa triết lý giáo dục vào thế nào cho phù hợp”, PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
"Đổi mới không có nghĩa đoạn tuyệt quá khứ"
Bày tỏ quan điểm về đề xuất trên, chị Trần Thị Hồng (phụ huynh ở Can Lộc - Hà Tĩnh) đồng ý phải đề cao tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, nhưng không tán thành việc xóa bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Theo chị, hai yếu tố này không mâu thuẫn, không nhất thiết chọn cái này thì phải bỏ cái kia, chúng phải bổ khuyết cho nhau, tạo nên nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện. "Lẽ nào học trò không chào thầy cô, không học lễ nghĩa mới là đổi mới, sáng tạo hay sao?", chị Hồng nói.
Vị phụ huynh này cũng phân tích: "Mục tiêu giáo dục sẽ đổi mới theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhưng đổi mới giáo dục không đồng nghĩa với đoạn tuyệt quá khứ mà phải kế thừa và phát triển. Thực tế cho thấy, giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị buông lỏng, một bộ phận học sinh sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng không đồng tình với quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm. Ông cho rằng, với mỗi con người, "đức" là gốc cơ bản. Ở đây có thể hiểu "lễ" là đức hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình, cơ quan, nhà trường…, "đức" rất quan trọng.
Nhiều người cho rằng, "lễ" là bề trên nói, bề dưới răm rắp nghe theo, nhưng hiểu đơn thuần như vậy thì chưa đúng. Nội hàm của từ này thể hiện đức hạnh của con người, không nên quy về nghi thức lễ giáo, phong kiến. Dù thời nào thì đức vẫn là cốt lõi, quan trọng nhất. Người không có đức nghĩa là không có mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh. Vì vậy, trong triết lý giáo dục của nhiều gia đình, việc dạy con trước hết là phải dạy hiếu nghĩa, đức hạnh với ông bà, cha mẹ. Một người dù giỏi bao nhiêu đi chăng nữa nhưng không có đạo đức thì cũng không chấp nhận được.
"Ử bất kỳ thời đại nào, câu khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' đều hoàn toàn đúng, nên không nhất thiết phải bỏ. Đổi mới giáo dục ở phương pháp chứ không phải khẩu hiệu", ông nhấn mạnh./.