GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ quan sát của ông rằng trước khi tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thì môn Lịch sử dường như đang đứng trước một thực tế là học sinh không thích.
“Đấy là một nỗi lo ghê gớm, không chỉ của giới làm Sử, mà của cả những người quản lý, của lãnh đạo, bởi có lẽ không ở nước nào trên thế giới thấy yêu và quan trọng môn Sử hơn Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng của nó chúng ta không cần phải bàn thêm nữa.
Nhưng đứng trước thực trạng học sinh không thích học và thậm chí là sợ môn Lịch sử, thì rõ ràng chúng ta phải trăn trở làm thế nào môn học này có đúng vị trí của nó”.
GS Giang nhận định luồng ý kiến khẳng định môn Lịch sử rất quan trọng, bắt buộc phải học, bắt buộc phải thi cũng xuất phát từ cái tâm, muốn môn học này được trọng thị. Thầy cô giáo dạy Lịch sử cũng muốn môn mình dạy là môn chính. Đây là đề cao môn Sử theo cách nhìn quan phương – tức là nhìn theo góc độ quản lý, chính quyền.
Còn một quan điểm thứ hai, theo GS Giang, là phải đổi mới căn bản chương trình giáo dục và đào tạo.
“Tôi đã từng phát biểu không chỉ một lần rằng môn Lịch sử phải là đi đầu trong đổi mới, phải “bắt mạch kê đơn” tại sao học sinh không thích môn học này.
Đó là vì môn Lịch sử mà chúng ta đang dạy có quá nhiều kiến thức để nhớ. Chúng ta đã bị mắc ở nền giáo dục tiếp cận nội dung – và Lịch sử là môn học chịu hậu quả nặng nề nhất.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhận thấy từ trước tới nay việc giảng dạy môn Lịch sử hơi thiếu khách quan, có tính chất áp đặt.
Và một điểm nữa là Lịch sử vốn rất phong phú, đa dạng, nhiều điều hấp dẫn, nhưng chúng ta đã không đem cái hấp dẫn đó vào bài học lịch sử mà dạy một cách khô khan. Thầy giáo thì luôn sợ dạy sai vì phải dạy theo sách giáo khoa.
Ở khuynh hướng này, tôi ủng hộ xu hướng làm sao đó để môn Lịch sử hấp dẫn hơn, không cần dạy nhiều những thứ cụ thể mà làm sao để học sinh tự thấm, tự tìm hiểu. Khi học sinh có sự ham thích, mong muốn tìm hiểu thì các em sẽ làm mọi cách để tìm hiểu. Đó mới là đổi mới căn bản toàn diện” – GS Giang phân tích.
GS Vũ Minh Giang cũng chỉ ra một thực tế rằng trước đây, Lịch sử là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, có một “khúc quanh” trong hệ thống giáo dục đào tạo là 38% học sinh cấp 2 không vào cấp 3 mà đi học nghề, đi làm công nhân… Mỗi năm, 1 triệu học sinh tốt nghiệp lớp 12 không bao gồm những học sinh này.
“Chúng ta phải tính đến chuyện tất cả học sinh học hệ thống giáo dục phổ thông phải được trang bị kiến thức Lịch sử trọn vẹn, căn bản, hệ thống. Từ đó mới sinh ra hai giai đoạn theo Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Quốc hội: giai đoạn bắt buộc có môn Lịch sử và giai đoạn hướng nghiệp.
Nếu chúng ta dạy theo cách cũ, tức là dạy Lịch sử bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, giai đoạn lịch sử cận hiện đại rơi vào cấp THPT, thì những học sinh học THCS nhưng không có điều kiện tiếp tục học THPT sẽ mất giai đoạn lịch sử đó. Việc tổ chức lại môn Lịch sử có lường tới thực tế này” – GS Giang chỉ rõ.
Một điều quan trọng nữa, theo GS Giang, là chúng ta rất muốn dạy cho học sinh phổ thông, dù sau này có trở thành ai, thì phải có sự hiểu biết về đất nước mình, dân tộc mình, truyền thống của cha ông mình.
“Tôi nghĩ rằng những gì lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước đang làm là tập trung vào điều đó. Suốt chiều dài lịch sử những gì kết tinh lại chính là văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Văn hóa là những giá trị được kết tinh trong quá trình lịch sử. Chúng ta quan tâm đến văn hóa, lịch sử như vậy thì không có lý do gì để coi nhẹ môn Lịch sử cả”.
Trở lại với phương án dạy Lịch sử ở phổ thông, vị GS này chia sẻ ông được biết là tới đây, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có lộ trình cho môn học này chứ không phải thay đổi ngay lập tức.
“Chẳng hạn như các em lớp 9 hiện nay đã học hết giai đoạn Lịch sử cận hiện đại đâu nên khi vào lớp 10 sẽ tiếp tục học chương trình bắt buộc đó. Còn những năm tiếp theo thì Bộ sẽ có kế hoạch triển khai.
Theo tôi, chúng ta nên học các nền giáo dục tiên tiến, trong đó có những nước có sự đổi mới không chỉ một lần mà được tiến hành thường xuyên.
Chúng ta phải có 3 động thái với giáo dục: luôn phải nhìn lại chặng đường đã qua, tổng kết cái gì được và chưa được, rồi tiếp tục đổi mới - thì việc xây dựng những chương trình như thế này sẽ có sự chuẩn bị nhưng cũng không phải là “nhất thành bất biến”.
Cuối cùng, GS Giang nhấn mạnh: “Điều rất cần hiện nay là Bộ GD-ĐT và các cơ quan có trách nhiệm phải giải thích rõ cho nhân dân biết chúng ta đã, đang và sẽ làm gì. Mọi người nếu chỉ nhìn vào vòng xoáy 'bên này muốn bỏ, bên kia muốn giữ' thì không đúng với bản chất hiện tượng mà chúng ta muốn xem xét”./.