Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, lập quỹ bình ổn giá thép không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra chiều tối nay (3/6), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện Bộ Công Thương đã lên tiếng trả lời báo chí về chuyện lập quỹ bình ổn giá thép.

Cụ thể, phóng viên đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Công Thương từng đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép. Chuyên gia cho rằng lập quỹ bình ổn là phi thị trường, Bộ Công Thương ý kiến gì về vấn đề này như thế nào?

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương nói gì về chuyện lập quỹ bình ổn giá thép?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu một số giải pháp để ngành thép phát triển trong tương lai. Trong đó, Bộ trưởng cho biết, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn vướng mắc, các doanh nghiệp ngành thép kịp thời có kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục theo dõi các thông tin xuất nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng, sản phẩm tăng đột biến để đề xuất các chính sách kịp thời điều tiết thị trường sản xuất trong nước. Tổng cục Quản lý thị trường làm tốt công tác kiểm soát thị trường thép, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá…

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, giá nhiều vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao. Trong đó, giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng thông thường, đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Bộ Công Thương nói gì về chuyện lập quỹ bình ổn giá thép?
Liên quan vấn đề giá thép tăng mạnh, Bộ Xây dựng vừa có văn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến của thị trường thép, tránh bị tác động bởi các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. (Ảnh minh họa: KT)

Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn./.