Cảm động câu chuyện về ông bố gác lại công việc ở quê nhà, theo con trai bị khuyết tật 2 chân và 1 tay lên giảng đường đại học mỗi ngày.
 
Theo báo Vnexpress đưa tin, ông Nguyễn Tất Mây (46 tuổi, quê Thanh Hóa) - bố của Nguyễn Tất Minh bỏ công việc ổn định ở quê, để theo con ra Hà Nội. Chàng tân sinh viên bị khuyết tật hai chân và một tay này chính là cậu bạn nổi tiếng trên mạng xã hội bởi câu chuyện được bạn cõng đến trường suốt 10 năm. Tuy nhiên, giờ đây mỗi người chọn cho mình một ngã rẽ nên Nguyễn Văn Hiếu không ở bên đưa cậu lên lớp mỗi ngày được.


 
Nam sinh 10 năm được bạn cõng đến trường đã bắt đầu những buổi học đầu tiên trên giảng đường, luôn có người cha ở bên đồng hành. Ảnh VnExpress
 
Được biết, Minh theo học ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện hai cha con Minh đang sống trong ký túc xá của trường. Căn phòng ở ký túc xá rộng 25 m2 nằm ngay tầng 1, tiện cho việc hai cha con đi lại.
 
Ngày 14/10, ông Mây khăn gói đưa con trai lên Hà Nội nhập học. Phải rời xa đồng áng, vườn tược, ông Mây chỉ quanh quẩn trong ký túc xá của trường. Mỗi ngày người cha tuổi tứ tuần thường thức dậy từ 5h sáng để đi bộ ra chợ cách ký túc cả cây số mua thức ăn nấu cơm, giặt giũ rồi cứ đúng giờ lại đẩy xe lăn cùng con đến trường và cõng con vào tận giảng đường và cuối buổi lại tới đón con về.
 
Sau 1 tuần sống ở Hà Nội, ông bố theo con lên giảng đường này dần bắt nhịp với cuộc sống đô thị. Ông Mây chia sẻ: "Với tuổi của tôi, đáng lẽ việc cõng cậu con trai 40 kg cũng chẳng nhằm nhò gì. Nhưng do tôi mới bị gãy chân phải hồi tháng 3, chưa được rút đinh nên leo cao là đứng không vững".
 
Mặc dù sức khỏe yếu đi sau tai nạn lao động, nhưng ông Mây rất vui khi được đồng hành cùng con lên giảng đường. Đây cũng là dịp để hai cha con gần gũi nhau nhiều hơn. Lắm hôm Minh học tầng 5, ông Mây vừa leo cầu thang vừa đứng nghỉ vì đuối sức.
 
Thế nhưng, điều ông Mây trăn trở nhất đó là không có thu nhập, cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương của người vợ đang làm việc tại công ty giày da ở quê. 2-3 tháng tới đợi con ổn định trường lớp, ông Mây sẽ đi tìm một công việc phù hợp trong lúc con đi học để trang trải cuộc sống.
 
"Trường Bách khoa hỗ trợ tiền học lẫn sinh hoạt phí cho con. Chúng tôi chỉ tự lo ăn uống, điện nước, nhưng mua mớ rau ở đây cũng đắt gấp 2-3 lần ở quê", ông Mây cho hay.


 
Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá ĐH Bách Khoa tạo điều kiện hết sức cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt như Minh và Quân.
 
Báo Gia đình & Xã hội thông tin thêm, trong căn phòng ký túc nơi cha con Minh ở, còn có một trường hợp khác đồng cảnh ngộ, đó là ông Trần Văn Nhuận (50 tuổi, TP Hải Phòng) ra Hà Nội chăm cháu.
 
Ông Nhuận là bác của Nguyễn Đức Quân, chàng tân sinh viên ngành Toán - Tin. Người bác đáng kính này hỗ trợ Quân trong sinh hoạt hằng ngày và đưa cậu tới trường bởi chỉ cần va chạm nhẹ là có thể gãy chân tay. Ông Nhuận thay cha mẹ Quân lo chuyện ăn uống và chăm sóc cháu trai, nhất là khi trái gió trở trời.
 
Được biết, Quân được tuyển thẳng vào ĐH Bách Khoa và được nhà trường tạo điều kiện lo cho chỗ ở. Thậm chí, trường còn đồng ý lắp thêm bình nóng lạnh, tủ lạnh, kệ bếp theo đề đạt của gia đình, đặc biệt có lối đi riêng cho xe lăn. Ngoài ra, gia đình cũng nhờ nhà trường bố trí 2-4 sinh viên ở cùng phòng để tiện hỗ trợ Quân trong lúc ông Nhuận ra ngoài.


 
Cuộc sống của cha con Minh và bác cháu Quân trong căn phòng ký túc xá.
 
Thấy hoàn cảnh tương đồng, Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội đã sắp xếp bố con Minh ở cùng phòng với bác cháu Quân. Đôi bạn mới quen dần trở nên thân thiết với nhau, cùng chia sẻ trong vấn đề bài vở cũng như những câu chuyện cuộc sống.
 
Ông Nguyễn Hữu Khôi - Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá cho biết, ngoài 2 trường hợp đặc biệt kể trên, ký túc xá còn tạo điều kiện cho một nữ sinh ở cùng mẹ do bị các di chứng sau mổ u cột sống. Đặc biệt, nhà trường dự kiến tạo việc làm cho bố Minh để ông có thêm thu nhập, nhưng vẫn đảm bảo giờ đưa đón con đi học và chăm sóc con chu đáo.
 
Hiện ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 4.000 sinh viên, trong đó có hơn 1.100 tân sinh viên./.