Lái xe chở hàng hóa từ tỉnh này qua tỉnh kia trong vùng cùng cấp độ giãn cách theo chỉ thị 16 vẫn phải trình giấy xét nghiệmSARS-Cov-2.

Sáng 20/9, trên QL1, cả hai chiều TP.HCM đi Đồng Nai và ngược lại đều thông thoáng. Tại cầu Đồng Nai, hai địa phương đều đặt chốt mỗi bên để kiểm soát xe cộ vận chuyển hàng hóa và phòng chống dịch Covid-19.

Tại chốt cầu Đồng Nai, 3 nhóm CSGT phân chia ở các làn để kiểm tra. Xe “luồng xanh” có dán thẻ QR trên kính lái được chạy thẳng theo làn riêng. Những phương tiện còn lại phải đi vào làn kiểm soát. Việc kiểm soát rất nhanh chóng: Tài xế chỉ cần trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là được qua trạm. Quy trình chưa tới 5 giây/xe.

Bộ chỉ đạo dừng, vì sao các tỉnh vẫn đòi tài xế giấy xét nghiệm Covid-19?
Kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chốt kiểm soát cầu Đồng Nai

Tại chốt kiểm soát trên QL51 (giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), quy trình có khác hơn. CSGT, Cảnh sát cơ động và Thanh tra giao thông cùng phối hợp kiểm tra nhưng chia làm 2 chốt. Một chốt kiểm tra xe chở hàng, xe tải và một chốt kiểm tra xe container.

Những xe chở hàng hóa thiết yếu có dán QR code được vào “làn xanh” ưu tiên nhưng tất cả lái xe, người đi trên xe đều phải có giấy xét nghiệm y tế.

Tương tự, ở ĐBSCL, tài xế xe liên tỉnh qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ… đều phải trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Trên bảo “dừng”, sao dưới vẫn kiểm tra?

Thiếu tá CSGT Trần Quốc Việt, tổ trưởng tổ kiểm soát tại chốt cầu Đồng Nai giải thích: “Chúng tôi có biết chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, tỉnh có chỉ đạo phải kiểm tra giấy xét nghiệm y tế đối với tất cả người trên xe khi đi vào địa phận tỉnh (trừ “luồng xanh” ưu tiên) nên chúng tôi chấp hành”.

Thiếu tá Việt cho biết, chính vì hiểu rằng việc kiểm tra như thế có thể gây ách tắc giao thông nên tổ huy động 3 nhóm CSGT làm việc liên tục, mỗi xe chỉ kiểm soát chừng 5 giây, nhanh hơn thời gian thông thường một xe tải mua vé BOT qua trạm nên rất thông thoáng.

Tại chốt kiểm soát ở QL51, thiếu tá CSGT Phạm Văn Yên, tổ trưởng tổ kiểm soát cho rằng: Việc chỉ đạo ở trên một đằng, các tỉnh bên dưới thực hiện một nẻo gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát.

"Cần có một văn bản chỉ đạo có hiệu lực thống nhất để các tổ kiểm soát chốt phòng chống dịch thực hiện, “chứ như thế này thì rất bối rối cho người thực thi công vụ mà lại gây ức chế cho tài xế”", ông Yên đề xuất.

Tại chốt này, những tài xế chưa có giấy xét nghiệm hoặc giấy hết hiệu lực sẽ được test nhanh và trả phí dịch vụ dưới 300.000 đồng/lần. Chính vì vậy lượng xe ở đây có đông hơn ở chốt cầu Đồng Nai.

Lại phải “báo cáo lên trên”

Ghi nhận thực tế trên, ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, Tổ trưởng tổ giám sát số 1 của Bộ GTVT về phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở khu vực phía Nam, nhìn nhận: Như vậy là vẫn chưa có sự thống nhất trong kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lưu thông hàng hóa ở các chốt kiểm dịch qua các địa phương. “Chúng tôi sẽ báo cáo việc này lên Bộ GTVT để có hướng chỉ đạo thống nhất”.

Bộ chỉ đạo dừng, vì sao các tỉnh vẫn đòi tài xế giấy xét nghiệm Covid-19?
Cảnh sát cơ động được huy động để kiểm soát xe cộ vận chuyển hàng hóa trên QL51 từ Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu

Trước đó, ngày 19/7, Bộ Y tế có công văn khẩn gởi các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, “về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa”.

Công văn nêu: Không kiểm tra chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 với người đi trên xe chở hàng hóa lưu thông trong nội tỉnh đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg; trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đi từ khu vực giãn cách theo chỉ thị 16 (hoặc khu phong tỏa) di chuyển sang khu vực liền kề áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, thì phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (có hiệu lực trong 72 giờ).

Hiện ở phía Nam có 19 tỉnh, thành có cùng cấp độ giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và người điều khiển xe cộ vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh vẫn phải trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.