Số ca mắc, chủ yếu do biến thể Delta gây ra cùng với tâm lý phản đối tiêm vaccine của một số người Mỹ, được ghi nhận phần lớn ở miền Nam nước Mỹ.

Hệ thống bệnh viện trên bờ vực sụp đổ

Số ca mắc và ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã tăng cao tới mức chưa từng có kể từ mùa Đông năm 2021, kéo lùi những tiến bộ trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại quốc gia này và cho thấy sự cấp thiết phải tiến hành chiến dịch tiêm chủng sâu rộng hơn theo như tuyên bố của Tổng thống Joe Biden.

Biến thể Delta đe dọa xóa sổ thành tựu chống dịch của Mỹ
Nhân viên phòng chăm sóc đặc biệt bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện thuộc bang Oklahoma, Mỹ ngày 24/8. Ảnh: Reuters

Số ca mắc, chủ yếu do biến thể Delta gây ra cùng với tâm lý phản đối tiêm vaccine của một số người Mỹ, xuất hiện phần lớn ở miền Nam nước này. Trong khi tình hình tại những khu vực từng là điểm nóng như Florida và Louisiana đang được cải thiện, tỷ lệ lây nhiễm lại tăng vọt ở Kentucky, Georgia và Tennessee do trẻ em đi học trở lại, nới lỏng quy định đeo khẩu trang và tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Nhiều bệnh viện đang phải chứng kiến tình trạng thảm khốc như đợt đỉnh dịch vào đầu tháng 1 vừa qua. Nhiều ca phẫu thuật đã bị hoãn lại tại các bệnh viện ở bang Washington và Utah. Kentucky và Alabama thiếu nhân viên y tế trầm trọng. Bang Tennessee thiếu giường bệnh, còn các cơ sở chăm sóc đặc biệt tại Texas thì quá tải.

Tình trạng trì trệ trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia tại Mỹ trong 9 tháng qua đã khiến các chuyên gia y tế giận dữ và thất vọng. Phần lớn những người tử vong và nhập viện đều là những người chưa được tiêm phòng và đây là bài học đắt giá cho nhiều gia đình.

Thống đốc bang Kentucky cho biết, 70% số bệnh viện tại bang này thông báo thiếu nhân viên trầm trọng. Còn tiến sỹ Steven Stack, ủy viên y tế công cộng của Kentucky cho hay: “Các bệnh viện của chúng tôi ở nhiều cộng đồng đang trên bờ vực sụp đổ”.

Mỹ đang ghi nhận mức trung bình hơn 1.800 ca tử vong và 170.000 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 và cuối tháng 1/2021. Cả hai con số nói trên đều tăng mạnh trong 2 tuần qua. Mặc dù vẫn ở dưới ngưỡng đỉnh dịch đáng sợ của tháng 1/2021 – thời điểm mà trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 3.400 ca tử vong và khoảng 250.000 ca mắc, nhưng tình hình hiện nay rất đáng báo động.

Mỹ đang cung cấp khoảng 900.000 lượt tiêm mỗi ngày, giảm mạnh so với con số 3,4 triệu lượt vào giữa tháng 4/2021. Ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã nhóm họp để thảo luận về việc có nên tiêm liều vaccine Pfizer tăng cường hay không. Có một điểm tích cực là số người phải nhập viện do Covid-19 đang chững lại, thậm chí giảm xuống còn khoảng 90.000 người mỗi ngày.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu tất cả các chủ lao động đang sử dụng hơn 100 nhân công phải tiêm vaccine hoặc xét nghiệm hàng tuần cho người lao động. Quy định này có thể ảnh hưởng đến 80 triệu người Mỹ. Khoảng 17 triệu nhân viên y tế tại các cơ sở nhận tài trợ của chương trình Medicare hoặc Medicaid của Chính phủ Mỹ cũng sẽ bị yêu cầu tiêm chủng. Các trường hợp miễn trừ là vì lý do tôn giáo hoặc dành cho người khuyết tật.

“Chúng ta đã đọc, nghe hoặc chứng kiến các câu chuyện của những người phải nhập viện điều trị, những người phải nằm trên giường bệnh. Họ nằm trong số những người không được tiêm vaccine thời gian qua. Đây là đại dịch của những người chưa tiêm vaccine”, ông Biden phát biểu khi thông báo về những quy định mới. Tuy vậy, quy định nói trên đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hòa.

Những con số đáng lo ngại

Bang Arizona ngày 14/9 thông báo ghi nhận 117 ca tử vong – mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. Tennessee hiện đứng đầu nước Mỹ về số ca mắc mới tính trên đầu người. Hàng trăm sinh viên đại học tại bang này đã phải cách ly.

Còn ở Alabama, hàng trăm bệnh nhân Covid-19 phải điều trị trong các cơ sở chăm sóc đặc biệt. Một bệnh viện tại bang này đã phải liên hệ với 43 bệnh viện ở 3 bang khác nhau để tìm giường ICU cho bệnh nhân nam 73 tuổi, nhưng không may mắn bệnh nhân này đã qua đời vào ngày 1/9.

Tại bang Kentucky, một bác sỹ cấp cứu cho biết, ông đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trong những gia đình có nhiều thế hệ chung sống và nguy cơ mắc bệnh rất cao ở những thành viên cao tuổi chưa được tiêm phòng.

“Hiện nay ở Kentucky, 1/3 số ca mắc mới là những người dưới 18 tuổi. Một số trẻ em đã bị mắc bệnh từ trại hè và sau đó lây sang các thành viên còn lại trong gia đình. Hiện giờ khi trường học mở cửa, trước sự tương tác hàng ngày giữa trẻ và giáo viên cũng như giữa các học sinh, nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn”.

Tại hạt Hidalgo, bang Texas, trước đó chứng kiến khoảng 50 bệnh nhân mắc Covid-19 trong một ngày vào tháng 7. Đến đầu tháng 8, con số này đã tăng lên hơn 600. Ivan Melendez – quan chức y tế của Hidalgo cho biết: “Tình hình hiện giờ khá hơn chút. Số người phải nhập viện ngày 13/9 chưa đến 300 người nhưng khu điều trị ICU vẫn hoạt động trên 90% công suất”.

Linsey Marr, giáo sư môi trường tại Virginia Tech, cho biết đợt tăng mạnh nhất trong mùa hè xảy ra ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là ở miền Nam - nơi có nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao. Bà cho biết các bang ở vùng cực bắc có thể cũng chứng kiến số ca mắc gia tăng do thời tiết lạnh khiến mọi người ở trong nhà.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Mỹ, ngày càng có nhiều người ủng hộ quy định tiêm phòng bắt buộc của chính phủ. Một cuộc thăm dò của Politico / Morning Consult, được thực hiện từ ngày 10 đến 13/9 với 1.997 cử tri cho thấy, 58% số người được hỏi ủng hộ quy định liên bang yêu cầu người sử dụng lao động phải tiêm vaccine Covid-19 hoặc xét nghiệm hàng tuần cho nhân viên. Trong số này có với 41% "ủng hộ mạnh mẽ" và 17 % người "ủng hộ một phần". Tỷ lệ ủng hộ cũng được không đồng đều theo đảng phái. 83% cử tri Dân chủ bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch nói trên, trong khi con số này ở cử tri Cộng hòa là 32%./.