Là một khu vực có hơn 650 triệu dân, Đông Nam Á đang trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta.

Myanmar

Biến thể Delta cũng đang hoành hành dữ dội tại Myanmar. Số ca mắc theo ngày, tính trung bình trong 7 ngày tại nước này, đã tăng từ 5.000 lên 6.000 trong một tháng qua, còn số ca tử vong lên tới khoảng 350 ca mỗi ngày. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính vượt quá 35% kể từ giữa tháng 7, điều này cho thấy dịch bệnh đang lây lan khó kiểm soát.

Theo thống kê chính thức, có hơn 7.500 tử vong do Covid-19 kể từ cuộc chính biến ngày 1/2. Nhưng do có rất ít bệnh nhân được điều trị trong các bệnh viện công nên con số tử vong có thể còn cao hơn. Trong những tuần gần đây, các nhà tang lễ và lò hỏa táng tại Myanmar đã quá tải.

Sự thiếu oxy, thuốc men, đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế và thiếu nguồn nhân lực trong các bệnh viện khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Myanmar ngày càng tồi tệ hơn. 150 bác sỹ và y tá đã bị bắt giữ. 600 nhân viên y tế khác cũng ngừng làm việc.

Biến thể Delta đang phá vỡ thành trì chống dịch Covid-19 tại Đông Nam Á
Người dân chờ lấy bình oxy tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AP

Indonesia

Indonesia – một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, tuần trước đã vượt qua cột mốc đáng sợ - 100.000 người tử vong do Covid-19. Trước đó vài ngày, Tổng thống Joko Widodo đã nới lỏng các hạn chế, cho phép doanh nghiệp nhỏ và một số trung tâm mua sắm hoạt động trở lại. Ông Widodo cũng dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, ngay cả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Jakarta và Bali bất chấp cảnh báo của các chuyên gia y tế rằng điều này sẽ dẫn đến sự bùng phát trở lại số ca mắc.

Các nhà virus học đã cảnh báo về khả năng xuất hiện biến thể mới – điều thường xảy ra khi virus lây lan mạnh mẽ tại các nước có dân số đông. Phát biểu với Reuters, ông Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia cho rằng: “Quyết định của Tổng thống Joko Widodo dường như không liên quan đến đại dịch mà liên quan đến kinh tế”.

Sau 14 tháng, Indonesia đã vượt mốc 50.000 ca tử vong vào cuối tháng 5/2021 và chỉ trong hơn 9 tuần tiếp theo, con số này đã tăng lên gấp đôi. Bộ Y tế Indonesia hiện ghi nhận hơn 1.700 ca tử vong mỗi ngày, mặc dù số ca mắc mới theo ngày đã giảm so với mức đỉnh của tháng 7, với hơn 57.000 ca. Tuy vậy, những con số thống kê chính thức có thể vẫn chưa đúng thực tế, do tỷ lệ xét nghiệm thấp và hạn chế trong năng lực truy vết tiếp xúc, liên lạc của bệnh nhân. Điều đó có nghĩa là còn hàng nghìn ca tử vong khác vẫn chưa được ghi nhận.

LaporCOVID-19 - một nhóm nghiên cứu dữ liệu virus phi chính phủ cho biết, kể từ đầu tháng 6, hơn 2.800 người đã tử vong do Covid-19 khi cách ly tại nhà. Ahmad Arif, một trong những người sáng lập LaporCOVID-19 nói: “Do bị bệnh viện từ chối tiếp nhận vì quá tải, họ đã trở về nhà và tự cách ly, nên khả năng tiếp cận với thuốc men và dịch vụ y tế bị hạn chế, không có oxy và không có sự theo dõi của các sỹ cho đến khi họ qua đời”.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các bệnh viện tại Indonesia đang thiếu phòng cách ly, nguồn cung oxy, thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị y tế cũng như các túi đựng thi thể. Tỷ lệ tiêm chủng của Indonesia vẫn ở mức thấp, dưới 8%.

Quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới này hiện ghi nhận hơn 3,6 triệu ca mắc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020. Dịch bệnh đã gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội lớn. Tuần trước, cơ quan bảo vệ trẻ em ở Đông Java cho biết, hơn 5.000 trẻ em tại khu vực này đã mất cha hoặc mẹ, hoặc cả hai vì dịch bệnh. Theo đánh giá, số trẻ em mồ côi do Covid-19 trên khắp Indonesia có thể lên tới 35.000 em.

Khoảng 30% trong số 277 triệu người Indonesia đã rơi vào cảnh đói nghèo do hậu quả của đại dịch, cao hơn nhiều so với mức gần 10% vào năm 2019.

Thái Lan

Tại Thái Lan, đối mặt với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng, chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phải ban bố sắc lệnh khẩn cấp. Tuần trước, chính quyền đã thắt chặt các biện pháp hạn chế từng phần ở thủ đô Bangkok và các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời cho biết, những biện pháp này có thể được duy trì cho đến cuối tháng 8.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, số ca mắc mới tại nước này lần đầu tiên vượt quá 20.000 người, trong khi số ca tử vong là gần 200 ca mỗi ngày vào tuần trước. Tính đến ngày 10/8, tổng số ca mắc mới tại quốc gia này là 795.951 ca và số ca tử vong là 6.588 ca.

Hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Bệnh viện chật kín bệnh nhân. Nhà chức trách đã cố gắng thiết lập các khu cách ly tạm thời tại các nhà ga, sân bay, nhà kho hay những toa tàu đang ngừng hoạt động. Một số bệnh viện đã phải thuê các container để lưu trữ thi thể bệnh nhân do nhà xác hết chỗ. Đến nay, mới chỉ có khoảng 6,5% trong tổng số 70 triệu người tại Thái Lan được tiêm phòng đầy đủ. Tháng 7 vừa qua, nhiều người đã bất chấp quy định phòng dịch Covid-19 để tổ chức biểu tình tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức.

Malaysia

Bộ Y tế Maysia cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 10.900 ca tử vong. Tuần trước, quốc gia này đã phá kỷ lục về số ca mắc mới theo ngày trong 3 ngày liên tiếp. Dù vậy, con số thống kê chính thức có thể vẫn chưa phản ánh đúng thực tế.

Ông Chong Chee Kheong – quan chức y tế của Malaysia cho biết, khoảng 80% số ca tử vong vì Covid-19 chưa từng được chẩn đoán bị mắc bệnh. Dịch bệnh đã khiến các nhân viên y tế chịu áp lực về tâm lý. Hàng nghìn bác sỹ hợp đồng đã tổ chức một cuộc đình công vào ngày 23/7, yêu cầu công việc ổn định và trả lương cao hơn.

“Gần 150 nhân viên y tế đã nghỉ việc trong năm nay vì họ quá mệt mỏi với tình hình hiện tại”, một bác sỹ nói với Reuters.

Trước cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng, chính phủ Malaysia tuần trước cho biết họ sẽ không còn sử dụng số ca mắc mới theo ngày làm thước đo để quyết định dỡ bỏ hạn chế cho các bang khi những bang này bước vào giai đoạn thứ 2 của “kế hoạch phục hồi quốc gia”.

Philippines

Hiện, Philippines đang ghi nhận trung bình khoảng 80.000 ca mắc mới mỗi ngày và số ca tử vong lên đến khoảng 200 ca mỗi ngày. Tình trạng mất trật tự đã diễn ra tại một số điểm tiêm phòng Covid-19 ở Manila vào tuần trước khi hàng nghìn người chen lấn nhau để tiêm vaccine trước khi khu vực thủ đô áp dụng biện pháp đóng cửa một phần trong 2 tuần.

Với hơn 1,6 triệu ca mắc mới và hơn 29.100 ca tử vong, Philippines là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Chỉ khoảng 9,3% trong tổng số 110 triệu dân của nước này được tiêm phòng đầy đủ. Trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đe dọa sẽ bắt giữ những người không tiêm vaccine. Để hỗ trợ những người gặp khó khăn về kinh tế, chính phủ nước này đã cung cấp các khoản kinh phí nhỏ từ 20 đến 80 USD hai tuần một lần cho các hộ gia đình có thu nhập thấp./.