Biến thể BA.5 lây lan dịch Covid-19 nhanh hơn biến thể cũ

GS Lân cho biết, biến thể BA.5 là 1 trong 5 biến thể phụ của chủng Omicron (biến chủng của virus SARS-CoV-2) được tìm thấy đến giờ. (5 biến thể phụ được ký hiệu BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5). Nếu đợt dịch trước đây lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay một số nước ở khu vực châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể BA.4, BA.5. Đồng thời bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc, lấn lướt các biến thể cũ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thấp với chủng lưu hành vẫn là biến thể BA.2 biểu hiện nhẹ, tỷ lệ tiêm chủng dần tới mức cao hơn. Việt Nam có chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao với hình thức tiêm chủng đa dạng, tiêm chủng tại nhà…

bien-the-ba-16563915738641761429150-1656399649.jpg
Biến thể BA.5, BA.4 được đánh giá là làm tăng số ca mắc trở lại. Ảnh minh họa Istockphoto

Tuy nhiên, qua quá trình giải trình tự gen thì Việt Nam cũng đã có biến thể BA.5 xâm nhập.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của biến thể BA.5, GS Lân cho biết: "Hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể BA.5, BA.4. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Dù vậy, để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ".

Theo GS Lân, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nhận định, biến thể BA.5 và BA.4 của Omicron cũng đã có những khuyến cáo cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

GS Lân cũng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã trải qua 5 đợt dịch với 5 biến chủng Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron, trong đó biến chủng Delta và Omicron lây lan rất nhanh. Trong Omicron lại có 5 biến thể phụ.

"Rõ ràng sự biến đổi ấy là không lường được và thực sự ngay từ tháng 9-2021 khi chủng Delta lây lan rất nhanh nhưng đến tháng 11 xuất hiện chủng Omicron lây lan rất nhanh. Hiện tại biến thể phụ của Omicron là BA4- BA5 hiện nay lây lanh nhanh hơn BA1 và 2", GS Lân chia sẻ.

GS Lân khẳng định, virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi và Omicron không phải là chủng cuối cùng.

bien-the-1-16563915738161647000567-1656399674.jpg
Vaccine Covid-19 vẫn được đánh giá là vũ khí hiệu quả để ngăn chặn sức mạnh của các biến thể mới. Ảnh minh họa Pixabay

Hiệu quả của vaccine Covid-19 với biến thể BA.5 thế nào?

GS Lân khẳng định, đến nay, vaccine Covid-19 vẫn là vũ khí hữu hiệu để ngăn cản sức mạnh của virus SARS-CoV-2 với những biến chủng mới thay đổi liên tục.

Theo GS Lân, trên thế giới, các nhà khoa học đánh giá sự tiến hoá của chủng virus này dự trên 5 tiêu chí: đó là lây lan, mức độ nặng, virus tăng sức chịu đựng với vaccine, virus là giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán.

Trong 2 năm quam virus SARS-CoV-2 đã biến đổi khôn lường thực sự. Từ chủng virus gây bệnh ban đầu, đại dịch thường đi theo xu hướng tăng miễn dịch của vaccine, giảm dần mức độ lây lan và nguy hiểm của bệnh dịch. Xu hướng tới của dịch Covid-19 vẫn là biến mất hoặc thành bệnh lưu hành.

Tuy nhiên hiện nay, virus vẫn biến đổi khôn lường, khó kiểm soát hoặc kiểm soát ở mức độ thấp. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã cảnh báo nếu nơi nào đó chưa an toàn (vùng chưa tiêm chủng, kháng thể chưa đảm bảo thì nguy cơ lây nhiễm cao) thì virus có kết hợp trở thành biến thể mới và gây bệnh dịch nguy hiểm.

"Với sự biến đổi của virus gây dịch Covid-19 trong thời gian qua thì dù ở chủng nao, vaccine Covid-19 vẫn giúp giảm tình trạng nhập viện, nặng và tử vong cho người đã được tiêm. Hiện các biến thể mới thì vaccine vẫn có hiệu lực", GS Lân khẳng định.

TS Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam cũng cho biết, với sự gia tăng của biến chủng BA.4 và BA.5, một số quốc gia trên thế giới đã có hệ lụy là tỷ lệ nhập viện, hồi sức cấp cứu gia tăng nhiều hơn.

TS Socorro Escalante đánh giá, dịch vẫn phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vaccine phòng Covid-19.

Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, biến thể BA.4 và biến thể BA.5 là hai thủ phạm khiến họ đối mặt hàng loạt làn sóng Covid-19 mới.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14/6 thông báo tính đến ngày 11/6, có tới hơn 21% số ca mắc Covid-19 tại nước này là do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5; số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 11/6) tại Mỹ là 105.615 ca, tăng 6,7% so với 1 tuần trước đó.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng lại ở Singapore. Có đến 45% ca nhiễm trong cộng đồng trong tuần qua là do biến thể BA.5 và BA.4 của biến thể Omicron gây ra, tỉ lệ này tuần trước đó là 30%.

Hai dòng phụ có khả năng lây lan cao này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách theo dõi hồi tháng 3 và được coi là biến thể đáng quan ngại ở châu Âu. Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cảnh báo các dòng phụ mới này đang lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác, có thể dẫn tới số ca nhập viện cao hơn nếu trở thành các biến thể chủ đạo trong khu vực./.