Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù TP Hà Nội đã nới lỏng giãn cách nhưng người dân tuyệt đối không nên chủ quan, bởi vẫn có những ca F0 lẩn khuất trong cộng đồng.

Những ngày gần đây, số ca mắc cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có xu hướng giảm tuy nhiên hiện vẫn còn những ca F0 lẩn khuất trong cộng đồng, nếu người dân không có ý thức tốt sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát dịch.

Thông tin mới nhất từ UBND quận Hà Đông, TP. Hà Nội, sáng nay (22/9) tại Tổ 8, phường Kiến Hưng vừa phát hiện 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó, một người từng làm thợ tóc tại Mai Dịch, Cầu Giấy.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN sáng nay (22/9), PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng đánh giá, sau một thời gian tiến hành các hoạt động giãn cách, đến nay dịch ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Hiện trên địa bàn thành phố cũng chỉ còn một số ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, nguy cơ dịch vẫn còn rất cao.

"Biển người" đêm Trung thu: Hà Nội có thể trả giá đắt vì vẫn còn f0 trong cộng đồng
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng.

“Thời gian qua, cùng với việc thực hiện giãn cách, TP Hà Nội đã làm khá tốt việc truy vết, phong tỏa, dập dịch. Nhưng dù có giãn cách như thế nào chăng nữa thì chúng ta cũng không thể loại trừ các F0 ra khỏi cộng đồng”- PGS Phu cho biết.

Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện vẫn còn những ca F0 lẩn khuất trong cộng đồng, nếu người dân không có ý thức tốt sẽ tiếp tục lây lan và bùng phát dịch.

Ông dẫn chứng, việc tập trung đông người, gây tắc nghẽn tại một số tuyến đường trong đêm Trung thu tối 21/9 cho thấy, người dân đang chủ quan. Bởi theo ông nếu trong đám đông tối qua, có 1 ca F0 thì sẽ lây lan rất nhanh và khi đó ngành y tế sẽ rất khó thực hiện truy vết, vì không thể biết ai lây cho ai, ai tiếp xúc với ai, điều này rất nguy hiểm.

“Trong thời điểm này, người dân cũng phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của thành phố, chỉ ra đường khi cần thiết. Hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập. TP Hà Nội cần có biện pháp quản lý, điều tiết người ra đường hợp lý ở các tuyến trung tâm, hạn chế tình trạng tụ tập đông người tái diễn như thời điểm tối 21/9”- ông Phu cho hay.

"Biển người" đêm Trung thu: Hà Nội có thể trả giá đắt vì vẫn còn f0 trong cộng đồng
Hàng Mã, Hàng Chai, Hàng Cá rơi vào tình trạng "thất thủ" trong đêm 21/9.

Nới lỏng giãn cách nhưng phải cảnh giác cao độ

PGS Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay tình hình dịch ở các tỉnh, thành phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương vẫn còn ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 trong 1 ngày. Vì vậy, trong tất cả các hành vi, cuộc sống cũng phải trong trạng thái “bình thường mới” nghĩa là phải luôn cảnh giác cao độ. Theo ông Phu, nới lỏng giãn cách nhưng vẫn phải đảm bảo các phương án an toàn, phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh do UBND TP Hà Nội quy định.

“Nới lỏng trong bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi, phải luôn kiểm soát tình hình dịch. Bởi nếu 1 ca F0 xâm nhập vào thành phố, dịch Covid-19 tại Hà Nội hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trở lại và tạo ra nhiều chùm lây nhiễm nghiêm trọng”- ông Phu nói.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Toàn dân phải thực hiện tốt 5K và xây dựng lối sống an toàn, cơ quan an toàn, nhà máy an toàn, phường, xã, quận, huyện an toàn, bảo vệ vùng xanh... Từ đó, thành phố mới có thể an toàn.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo TP Hà Nôi cần tiếp tục tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch bền vững hơn./.