Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ quan điểm về biến thể Covid-19 đã lây lan nhanh tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Việt Nam.
Biến chủng virus Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam có đáng báo động?
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam ông Kidong Park

Theo Nikkei Asia ngày 3/6, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park cho rằng, biến thể virus Covid-19 phát hiện ở Việt Nam không phải là chủng lai, chỉ là đột biến từ biến thể phát hiện tại Ấn Độ (mới được WHO gọi là Delta).

Ông Kidong Park nói rõ, hiện tại, theo định nghĩa của WHO, không có biến thể lai mới ở Việt Nam. Biến thể được phát hiện là biến thể bổ sung của Delta và cần theo dõi thêm trong vài tuần tới.

Theo ông Park, WHO chưa có cảnh báo nào mới liên quan tới biến thể virus Covid-19.

Theo Nikkei Asia, nhà nghiên cứu Son Nghiem làm việc tại Trung tâm kinh tế y tế ứng dụng của Đại học Griffith (Australia) cũng có nhận định tương tự ông Park, cho rằng WHO chưa cần phải ra cảnh báo biến thể virus mới.

“Theo tôi được biết, các ổ dịch bùng phát tại Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay chủ yếu liên quan đến biến thể Delta”, ông Son Nghiem nói.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ sau đó xuất hiện tại nhiều quốc gia khác, có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh nên rất nguy hiểm.

Theo đại diện WHO tại Việt Nam, trong đợt bùng dịch trở lại lần này, Việt Nam đối mặt với thách thức phải đẩy nhanh hoạt động tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 giữa lúc các nền kinh tế Châu Á đang chạy đua đảm bảo nguồn cung virus.

Sở dĩ khu vực này thiếu vắc-xin vì Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin chính cho cơ chế COVAX, lại đang phải ngừng xuất khẩu để ưu tiên đối phó với khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có ở trong nước.

Song, COVAX vẫn cam kết đảm bảo sẽ cung cấp vắc-xin cho 20% dân số các thành viên trong cơ chế vào cuối năm nay.

COVAX là cơ chế toàn cầu đồng sáng lập bởi Coalition for Epidemic Preparedness and Innovations (CEPI), GAVI, Liên minh vắc xin (the Vaccine Alliance), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF với tư cách là đối tác phân phối.

Mục đích của COVAX là đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vắc xin Covid-19. Việt Nam hiện là một thành viên của cơ chế này.

WHO công bố cách gọi tên các biến chủng virus SARS-CoV-2 (hay còn gọi là Covid-19) dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp, thay vì cách gọi theo tên quốc gia phát hiện đầu tiên, cụ thể:

- Đột biến Covid-19 được gọi là "biến chủng Anh" hoặc B.1.1.7 được gọi là "Alpha"

- Chủng đột biến phổ biến ở Nam Phi được đổi tên thành "Beta"

- Hai biến chủng Brazil, được gọi là P.1 và P.2, lần lượt được gọi là Gamma và Zeta

- Hai nhánh con của “biến chủng Ấn Độ”, B.1.617.1 và B.1.617.2, được gọi là “Kappa” và “Delta”

- Hai biến chủng khác, mà Mỹ báo cáo lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay, được gọi là “Epsilon” và “Iota”.