Thêm một công trình khác của tác giả Kiều Trường Lâm mới được công bố mang tên “Chữ bảo mật thời 4.0” làm nảy ra cuộc tranh cãi rất lớn về tính thực tế và thậm chí còn xuất hiện thông tin mới rằng công trình này còn bị tố đạo nhái.
 
 
Tác giả Kiều Trường Lâm.
 
Mới đây, tác giả Kiều Trường Lâm sau công trình “Chữ VN song song 4.0” đã tiếp tục giới thiệu một công trình chữ viết khác của mình với tên gọi “Chữ viết bảo mật thời 4.0” (CVBM 4.0). Công trình này chỉ một mình anh Lâm là tác giả và đã trải qua 10 năm nghiên cứu và hoàn thiện. Giống như kiểu chữ trước, bộ chữ này sau khi công bố cũng nhận về nhiều chỉ trích cho rằng nó khá khó viết, phi thực tế trong sử dụng, thậm chí bị tố đạo nhái ý tưởng chữ Xứ sở kim chi.
 
 
Tác giả Kiều Trường Lâm
 
Liên hệ với tác giả, anh Trường Lâm thừa nhận bộ chữ khi nhìn qua rất giống chữ Hàn bởi anh đã vay mượn khoảng 10% ký tự chữ Xứ sở kim chi trong quá trình sáng tạo bộ chữ viết kiểu mới này. “Thời điểm lớp 10 mình đang tự học, nghiên cứu tiếng Xứ sở kim chi và thấy tiếng Hàn có cấu trúc rất hay. Mình mới nảy ra ý tưởng sáng tạo kiểu chữ mới cho người Việt không hề trùng lặp với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, việc sáng tạo rất khó khăn vì không còn nét nào để vẽ nữa nên mình đã mượn khoảng 10% ký tự của chữ Hàn để đưa vào bộ chữ viết mới này.”, anh Lâm lý giải.
 
 
Anh Lâm cũng giải thích việc sáng tạo chữ viết mới nhằm mục đích ứng dụng trong lĩnh vực bảo mật thông tin, trang trí và lĩnh vực thiết kế. “Vì mình hay dùng để làm các hoạt đông kinh doanh như bảo mật thông tin nên đặt tên kiểu chữ mới là Chữ viết bảo mật thời 4.0. Hiện tại mình không ấp ủ thêm dự án chữ viết nào nữa bởi đang muốn hoàn thành nốt các dự án về khoa học.”, anh Lâm thông tin thêm.
 
 
Chia sẻ thêm về CVBM 4.0, anh Lâm cho hay, trong suốt 10 năm ròng rã tạo kiểu chữ mới đã gặp không ít khó khăn vì quá đam mê với việc sáng tạo này. “Khó khăn lớn nhất là tìm ra công thức chữ viết làm sao nằm trong một ô vuông. Bên cạnh đó, việc tạo ra một ký tự mới hoàn toàn dành cho người Việt cực kỳ khó vì tiếng Việt có đến hàng nghìn âm vần. Phải thiết kế tỉ mẩn từng từ nên não phải đảm bảo nhận mặt chữ 100%.”, anh Lâm giảng giải.
 
 
Một đoạn “Chữ viết bảo mật thời 4.0”.
 
Cũng theo anh Lâm, nhiều người đều khen bộ chữ này đẹp và có nhiều nét riêng, đặc biệt là dân thiết kế cho biết có thể áp dụng kiểu chữ này lên font chữ máy tính. Hiện tại, anh Lâm đang tiến hành thủ tục xin cấp phép bản quyền cho công trình nghiên cứu này và ước tính  khoảng 3 tháng để biết kết quả.