Thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, luôn lạc quan, vui vẻ,… là bí quyết sống thọ, sống khoẻ của 5 chị em ruột tuổi từ 85 đến 97 ở Hà Tĩnh.
Bước sang độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng 5 chị em ruột tuổi từ 85 đến 97 tuổi ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn khoẻ mạnh và minh mẫn. Các cụ vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống, con cháu cũng như những bí quyết sống thọ, sống khỏe.
Ở tuổi 97, cụ Phan Thị Chinh, người chị cả trong gia đình vẫn còn rất minh mẫn, sức khoẻ tốt. Cụ đi lại, sinh hoạt bình thường. Mắt cụ vẫn rất sáng, việc luồn chỉ qua kim đối với cụ là chuyện nhỏ. Thấy khách lạ, cụ nở nụ cười hiền: “Trời thương, tôi rất ít khi ốm đau. Cứ sức khỏe như thế này có lẽ tôi phải sống trên trăm tuổi. Mấy đứa cháu cứ nghĩ tôi già lẩm cẩm rồi, thường trên đùa mình là con cháu nhà này, nhà kia, nhưng không qua mắt được cụ già này đâu. Tôi nhớ mặt, tên, tuổi từng đứa một”.
Ở tuổi 97, cụ Phan Thị Chinh, người chị cả trong gia đình vẫn còn rất minh mẫn, sức khoẻ tốt.
Chồng cụ Chinh tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hy sinh năm 1967, để lại 4 người con. Người con trai lớn năm nay 74 tuổi, còn người con út cũng đã 60 tuổi. Hiện, cụ Chinh sống với người cháu đích tôn. “Tôi có 4 người con, 13 cháu, 18 chắt và 3 chút. Dịp Tết hoặc ngày giỗ chạp là chúng về đông đủ, vui lắm”, cụ Chinh nói.
Dù tuổi đã cao nhưng những việc nhỏ trong nhà cụ Chinh vẫn có thể tự làm, không cần đến các con cháu. “Cách đây mấy tháng tôi thấy đau mỏi nên bảo đứa cháu đưa đi khám nhưng không việc gì. Thi thoảng chân trái có đau mỏi chút nhưng quét nhà, ăn uống,… tôi đều tự làm được. Tuổi này mà như tôi là may mắn rồi”, nói xong cụ cười xòa.
Cụ Chinh có thể tự đi lại, sinh hoạt cá nhân mà không cần con cháu giúp đỡ.
Cách đó không xa là nhà cụ Phan Thị Em (93 tuổi). Cụ là người em thứ hai trong gia đình. Cụ Em sống trong nhà tình nghĩa rộng hơn 40m2 vừa mới được huyện Nghi Xuân hỗ trợ năm 2020. Hàng tháng cụ nhận được 540 ngàn đồng tiền trợ cấp người già neo đơn.
Lấy chồng năm 20 tuổi nhưng không có con, người chồng bỏ đi lấy vợ khác cụ Em sống một mình cho đến bây giờ. “Hàng ngày tôi cuốc đất trồng rau, nuôi con gà kiếm thêm thu nhập. Tôi từng này tuổi nhưng vẫn nấu ăn bình thường, chưa cần nhờ đến người thân”, cụ Em tâm sự.
Ngay cạnh nhà cụ Em là nhà cụ Phan Văn Phiên (91 tuổi), người em thứ 3, cụ Phan Văn Diên (90 tuổi), người em thứ 4 và cụ Phan Thanh Bình (85 tuổi), người em thứ 5. Hiện, tất cả đều đang khỏe mạnh.
Cụ Phan Văn Phiên vui vẻ chia sẻ về bí quyết sống khoẻ.
Cụ Phiên nguyên là cán bộ công tác ở xã Cổ Đạm gần 20 năm và có hơn 70 năm tuổi Đảng. Bước sang tuổi 91 nhưng cụ Phiên vẫn rất nhanh nhẹn, mạnh khỏe, nhìn trẻ hơn nhiều so với tuổi. “Gia đình tôi có truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi tôi được kết nạp Đảng. 20 tuổi tôi nhập ngũ. Sau khi phục viên, tôi về công tác tại xã Cổ Đạm được gần 20 năm”, cụ Phiên chia sẻ.
Cụ Phiên có 4 người con, 15 cháu và 7 chắt. Các con cháu, chắt của cụ nhiều người đang sinh sống và làm việc tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn duy trì nếp sống lành mạnh. Hằng ngày cụ đều dậy sớm để tập thể dục, ăn uống điều độ, đúng bữa; đôi lúc cụ còn tự nấu ăn để đỡ phiền con cháu.
Bước sang tuổi 91 nhưng trông bề ngoài cụ Phiên vẫn rất nhanh nhẹn, trẻ hơn nhiều so với tuổi.
Ông Phan Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết, toàn xã có hơn 1.000 người độ tuổi từ 60 trở lên, người cao tuổi nhất là 101 tuổi.
“Ở Hà Tĩnh không hiếm gia đình có người thọ 80, 90 thậm chí trên 100 tuổi, nhưng trường hợp 5 chị em cụ Chinh rất đặc biệt. Cả 5 người đều đã tuổi cao nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hàng tháng, các cụ vẫn nhận được tiền trợ cấp của nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương”, ông Ca cho hay./.