Hiện nay, ốc bươu vàng xuất hiện nhiều ở hầu hết các địa phương ở Hà Tĩnh. Nó tàn phá gây thiệt hại mùa màng khiến người dân điêu đứng.
Tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ 10 đến 20 con trên 1m2 ở xã Cẩm Mỹ. Ông Đào Xuân Thìn, trưởng thôn Quốc Tuấn, xã Cẩm Mỹ cho biết: "Những năm gần đây, ốc bươu vàng tàn phá nhiều hoa màu của người dân. Địa phương cũng đã nhiều lần tổ chức cùng với người dân ra đồng bắt ốc bươu vàng. Tuy vậy, do loài ốc này sinh sôi nhanh nên dù bắt nhiều nhưng chỉ sau một năm nó lại phát triển bình thường".
Ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc trên các cánh đồng ở Hà Tĩnh.
Loài ốc bươu vàng sinh trưởng rất nhanh, mặc dù dùng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng vẫn không hiệu quả. Ốc kiếm ăn vào ban đêm, chúng ăn những cây lúa non đang trong thời kỳ phát triển.
Bà Hương (ở xã Cẩm Mỹ) cho hay: "Cứ vào đầu vụ mùa, gia đình tôi lại phải mất mấy ngày liền ra ruộng để bắt ốc. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, nó lại phát triển trở lại. Ban đêm ốc lên đẻ trứng, chỉ sau ít hôm là kín cả ruộng lúa. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nay nhưng nông dân như chúng tôi vẫn chưa có cách giải quyết. Nó tàn phá gây thiệt hại nặng nề quá".
Tại huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Đức Thọ,... nhiều thửa ruộng cấy xong đã trắng trơn do lúa bị ốc bươu vàng cắn. Mật độ ốc có nơi lên tới hàng trăm con trên 1m2.
Theo người dân nơi đây cho biết, ốc bươu vàng sinh sản quanh năm. Tuy nhiên, ốc sinh sản nhiều hơn vào mùa Đông. Một con ốc bươu vàng có thể sinh hàng nghìn quả trứng mỗi năm, trứng nở ra ốc con theo dòng nước sinh sôi nhanh chóng khắp các cánh đồng.
Mật độ ốc đã cao nhưng mật độ trứng trên một diện tích còn cao hơn. Trung bình có từ 3-4 ổ trứng trên một m2. Nhiều hộ dân cho biết, trong việc diệt ốc bươu vàng, bà con chỉ chú trọng phần ngọn tức là bắt ốc còn phần gốc là diệt trứng thì gần như bị bỏ ngỏ. Do vậy mà trứng ốc tồn tại rất nhiều trên mặt ruộng. Đặc biệt là ở những bờ kênh, trứng ốc bám đỏ cả bụi cỏ, các ống cống, đến nỗi nhìn những con kênh nay đỏ màu trứng ốc.
Hàng tạ ốc bươu vàng được nông dân bắt bằng tay.
Bà Nguyễn Thị Hồng (ở Xuân Hồng, Nghi Xuân) cho biết: “Chưa năm nào bà con chúng tôi lại khốn khổ bởi nạn ốc bươu vàng tàn phá lúa nhiều như vầy. Chẳng biết ốc từ đâu chui lên mà càng ngày càng dày đặc như thế này, cứ vừa lội vơ bắt đằng trước ngoảnh lại đã thấy chúng cắn phá lúa đằng sau, bắt thế nào cũng không hết."
Ông Nguyễn Đức Quân - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: "Tình trạng ốc bươu vàng tàn phá hoa màu gây thiệt hại nhiều cho nông dân. Ốc vàng là loại sinh trưởng rất nhanh nên để có phương án diệt tận gốc rất khó".
Trứng ốc đẻ dày đặc trên các cánh đồng.
Hiện các địa phương nói trên của tỉnh Nghệ An đang tích cực khuyến khích bà con diệt ốc bươu vàng theo phương pháp thủ công, bằng cách thả vịt hoặc dùng thảo dược như lá xoan đâu, lá đu đủ thả xuống những chỗ thấp trũng, đọng nước để dụ ốc tập trung lại và dùng tay bắt đem về tiêu hủy.
Ốc bươu vàng có tên khoa học là Pomacea sp là một loài thuộc nhóm ốc lớn có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Ốc bươu vàng được nhập vào Việt Nam từ năm 1986 nuôi trong bể xi măng rồi sau đó được nhập bằng nhiều cách khác nhau như một nguồn thực phẩm cung cấp cho người và động vật nuôi.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, ốc bươu vàng là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới. Lúa gieo thẳng và lúa cấy mạ non là đối tượng bị ốc bươu vàng hại nặng nhất.